Hằng My, 26 tuổi, ở TP Vinh, Nghệ An tự nhận mình là người "nghiện" con nên thường xuyên mua những bộ đồ sơ sinh có hình dễ thương như quả cà chua, củ hành, hoa hướng dương cho bé mặc và chụp ảnh, khoe lên mạng xã hội. Điều khiến cô buồn nhất là chồng không có kỹ năng chụp ảnh, "bấm máy cả trăm tấm không được tấm nào".
Một lần tình cờ lướt mạng, bà mẹ trẻ gặp hội nhóm "Những mẹ bỉm đam mê thời trang đáng yêu cho bé" trong đó nhiều người có sở thích giống mình nên My lập tức xin gia nhập để giao lưu. Mỗi tuần, nhóm tổ chức một buổi offline với một chủ đề riêng, có ý tưởng, tông màu khác nhau và mời hơn 20 bà mẹ đưa con đến chụp ảnh.
"Từ khi hai mẹ con được tham gia nhóm, tuần nào cũng có ảnh xinh, việc này khiến tôi và chồng bớt cãi nhau hơn về chuyện chụp hình", My nói.
Không chỉ Hằng My, các bà mẹ ở Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An đều có hội nhóm hưởng ứng phong trào này. Từ khóa "em bé mặc đồ hình trái cây", "thời trang trẻ sơ sinh Ikii Hàn Quốc" thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội.
Cẩm Lệ, 28 tuổi, là quản trị viên của nhóm "Ikii Đà Nẵng" cho biết thời trang trẻ sơ sinh của Hàn Quốc phổ biến ở Việt Nam ba, bốn năm gần đây. Khi tham gia, trẻ được "cosplay" (hóa trang) thành những loại hoa, quả, con vật dễ thương nên các bà mẹ rất ưa dùng. Trước đây các thành viên đều là bạn bè của nhau cùng lập nhóm chat rồi chia sẻ, đặt mua hàng. Một tuần nay, vì các clip lan tỏa trên mạng xã hội, nhiều bà mẹ khác ở Đà Nẵng cũng muốn tham gia nên cô lập nhóm, thu hút hơn 300 thành viên sau vài ngày.
"Các bé trong nhóm hơn 70% là trẻ sinh năm 2023, ngoài gặp gỡ để chụp ảnh, các mẹ cũng cùng tâm sự, trao đổi về chuyện chăm con, tôi mong đây sẽ là nơi giúp các mẹ giải tỏa căng thẳng cũng như giúp các bé có thêm bạn mới", Lệ nói.
Tuy nhiên để đảm bảo được sự an toàn cho mẹ và bé, Lệ cũng đưa ra những quy định như: không dùng hình ảnh nhóm để kêu gọi từ thiện, lừa đảo, không mua bán tại các buổi giao lưu, không nói xấu, gây xích mích giữa các thành viên nhóm khác.
Lâm Hương Trà, 24 tuổi, quản trị viên của một nhóm với gần 200 thành viên ở TP Vinh, Nghệ An cho biết nhóm không bắt buộc các mẹ phải cho con mặc thời trang Hàn Quốc vì giá khá đắt đỏ từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng. "Chỉ cần mặc đúng concept, tông màu là được, các mẹ tùy ý chọn thương hiệu, miễn phù hợp với kinh tế mỗi nhà, các mẹ và bé vui là chính", Trà nói.
Được nhiều chị em quan tâm nên hơn một tháng nay, Minh Thư, 30 tuổi, chủ shop quần áo sơ sinh Hàn Quốc ở Cầu Giấy, Hà Nội nói mỗi ngày có khoảng 100 khách nhờ tư vấn đặt mua hàng. Mặt hàng này được yêu thích vì ít họa tiết, màu sắc mang phong cách vintage, có nhiều hình thù cho bé cosplay. Ngoài những mẫu có sẵn, thông thường tiệm cũng phải đặt từ nước ngoài về nên khoảng 2-3 tuần mới có hàng.
"Đồ sơ sinh cho bé của Hàn Quốc có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, khá đắt đỏ, các mẹ vừa muốn tiết kiệm vừa 'đu trend' có thể tìm mua hàng thanh lý để được giá tốt", chị Thư nói.
Cho con trai 5 tháng tuổi cosplay quả bơ, Trúc Phương, 25 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội đặt bé ngồi cạnh hơn 30 bé khác trong buổi giao lưu ở một quán cà phê rồi lấy máy ảnh ra chụp ảnh. Phương kể ban đầu con cũng sợ người lạ, hay bám mẹ rồi khóc nhưng sau hai, ba buổi thành quen. Cô nói từ khi có hội chị em cùng sở thích, cuối tuần có chỗ cho con chơi thay vì ở nhà dọn dẹp, chăm con nhàm chán.
"Thỉnh thoảng các mẹ còn rủ nhau đi chơi riêng, nói xấu chồng, mọi người như người một nhà nên thấy hành trình chăm con nhỏ trở nên đỡ mệt mỏi hơn", Phương cho biết.
Theo thạc sĩ Nguyễn Viết Chung, giảng viên Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc các mẹ có con sơ sinh hưởng ứng trào lưu này một phần phản ánh thực tế họ đang gặp căng thẳng, có vấn đề tâm lý sau sinh. Ngoài muốn có sân chơi cho con thì họ cũng muốn tìm những người cùng hoàn cảnh để chia sẻ, tâm sự chuyện con cái, gia đình. Chuyên gia từng điều trị cho nhiều trường hợp là phụ nữ sau sinh bị trầm cảm nhẹ, suy nghĩ tiêu cực trong quá trình chăm con.
Ông Chung cho rằng việc giao lưu gặp gỡ là tốt về mặt tinh thần tuy nhiên cũng có một số nguy cơ tiềm ẩn như những thông tin các bà mẹ chia sẻ với nhau về cách chăm con chưa đúng chuyên môn, chưa có kiểm chứng chính xác. Một số phụ nữ gặp chuyện tiêu cực nếu không được tư vấn đúng cách có thể tình trạng tâm lý chuyển biến xấu đi.
"Không chỉ các bà mẹ, trầm cảm sau sinh cũng có thể xảy ra ở người bố, khi mọi sự ưu tiên chuyển sang con, phái nam cảm thấy stress khi thấy vợ căng thẳng, không biết cách chăm con, không có nơi giải tỏa", chuyên gia cảnh báo. "Cả gia đình nên cùng nhau san sẻ, có thể cùng các gia đình khác cùng có con nhỏ để tụ tập chia sẻ, cải thiện tinh thần".
Chuyên gia tâm lý hôn nhân và gia đình Lê Thị Minh Hoa (TP HCM) cũng đồng tình với quan điểm này. Bà cho biết phụ nữ sau sinh hoặc đang có con thường rất muốn có người để kể chuyện, bày tỏ cảm xúc của mình. Con nhỏ cũng có thêm bạn bè, giúp bé bớt rụt rè, phát triển kỹ năng xã hội khi được giao tiếp với nhiều người.
"Tuy nhiên việc các mẹ cùng nhau mua bán, trao đổi hàng hóa tạo kinh tế cho nhau cũng là điều tốt, không nên quá nặng nề", chuyên gia Hoa cho biết.
Cũng "đu trend" nhưng Tuyết Anh, 27 tuổi, ở Thái Nguyên cùng hơn 30 mẹ bỉm chọn thời trang Việt Nam với họa tiết hình trà sữa và bình sữa để "lên sóng" cho độc, lạ. Cô cho biết đồ Việt Nam có giá từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng không quá đắt mà còn đáng yêu.
"Sau sinh tôi từng bị trầm cảm nhẹ, nhiều lúc cáu gắt vô cớ với chồng con, nhờ có nhóm bản thân tôi trở nên vui vẻ hơn, nhiều lúc còn rủ chồng cùng đi", Tuyết Anh tâm sự.
Thanh Nga