Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định:
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Với quy định nói trên, trường hợp bạn có lỗi trong vụ tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe cho nạn nhân thì bạn có nghĩa vụ phải bồi thường.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự:
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Đối với các thiệt hại ở khoản 1 nói trên thì pháp luật đòi hỏi người bị hại phải có căn cứ (giấy tờ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ...) chứng minh thiệt hại.
Về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường.
Điều 22 Bộ luật Dân sự quy định khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì giao dịch dân sự của họ phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Như vậy, trường hợp bạn nêu thì cần phải xác định người mà bạn gây tai nạn (bị hại) có bị tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức, làm chủ hành vi hay không. Khi tiếp xúc, trao đổi bạn cũng có thể cảm nhận được sức khỏe tâm thần của họ có vấn đề gì không. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm hiểu qua hàng xóm láng giềng, tổ trưởng dân phố, công an khu vực nơi bị hại sinh sống.
Nếu sức khỏe tâm thần của bị hại hoàn toàn bình thường, việc người con của bị hại đòi bạn phải bồi thường là không có căn cứ, có dấu hiệu yêu sách, trục lợi. Bạn có quyền từ chối làm việc với họ.
Trường hợp bị hại có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bạn cần làm việc với toàn thể các thành viên trong gia đình bị hại (hoặc với người được gia đình bị hại cử làm đại diện) để vụ việc được giải quyết dứt điểm, triệt để, tránh phát sinh trường hợp sau khi bạn đã bồi thường xong thì các thành viên khác trong gia đình lại đưa ra yêu cầu mới.
Khi gia đình họ đưa ra yêu cầu bồi thường không hợp lý, quá cao so với thiệt hại thực tế, bạn có quyền từ chối bồi thường. Khi đó, vụ việc tranh chấp có thể được chuyển đến tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các buổi làm việc giữa bạn và gia đình bị hại cần được lập thành biên bản, ghi nhận đầy đủ ý kiến của các bên, làm cơ sở pháp lý giải quyết sau này, nếu cần.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội