McDonald’s đánh dấu tròn một năm hoạt động ở Việt Nam bằng việc mở một cửa hàng thứ tư hồi đầu tháng 2 này, trong bối cảnh công ty đang phải chật vật cạnh tranh ở Mỹ. Doanh số của chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới đã giảm 4,6% trong tháng 11/2014. Đây là mức giảm mạnh nhất từ tháng 6/2001, và cũng là tháng không tăng trưởng thứ 12 liên tiếp của hãng.
Sau khi những biển hiệu màu vàng đầu tiên mọc lên ở Việt Nam năm ngoái, sự phấn khích đã dần lắng xuống do những thách thức văn hóa và dân số.
Liệu khách hàng có sẵn sàng chi tiền mua một bữa ăn với giá bằng bốn tô phở? Liệu khẩu vị của người Việt có hợp thịt bò băm miếng và khoai chiên?
Một nhà cung cấp cho McDonald’s nói mặc dù công ty tin tưởng vào tương lai của McDonald’s, song thành tích trong năm đầu không đạt như mong đợi.
Giám đốc một công ty cung ứng giải pháp hậu cần cho các tập đoàn F&B lớn tại Việt Nam cũng nhận định, sau một năm từ sự kiện "gây sốc" giới kinh doanh F&B khi McDonald's khai trương cửa hàng đầu tiên của tại Việt Nam, trái với nhiều dự đoán, thị trường cung ứng Fast food 2014 không như kỳ vọng, không còn tái diễn cảnh "xếp hàng thưởng ngoạn lối sống phương Tây" nữa.
"Có một điều thú vị là, trong năm 2014, hầu hết các dự án F&B mà chúng tôi nhận được đều là các dự án mang phong vị Việt, Nhật, Hàn và Beer Club", vị này nói.
Các nhà quan sát thì cho rằng vấn đề ở đây có thể liên quan đến khẩu vị và thu nhập của dân địa phương. McDonald’s thường sử dụng thịt bò làm nhân bánh, trong khi người Việt Nam thường ăn thịt heo và thịt gà nhiều hơn.
Trên thực tế, 65% dân số Việt Nam ở độ tuổi dưới 35 và đây chính là nhóm khách hàng mà McDonald’s hướng tới. Vấn đề là họ phải tạo ra một điểm đến cuối tuần cho các gia đình Việt Nam, điều đi đôi với sách lược của công ty ở những nơi khác.
Tuy nhiên, ông Sean Ngô, Tổng giám đốc Công ty Tham vấn VF Franchise cho biết McDonald's đang tính "nước cờ" về lâu dài ở Việt Nam, với dự tính mở thêm 100 cửa hàng trong 10 năm tới.
Bùi Kim