"Đàn ông có cần vào bếp giúp vợ hay không" là câu hỏi mà MC Thuỳ Minh và nhà văn Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn một thời của Tờ Hoa học trò) đang tranh cãi trên mạng xã hội.
Sau khi xem thử nghiệm xã hội dạng phim ngắn mang tên Bố mẹ trong mắt bé, nhà văn Anh Tú dẫn khảo sát mới đây của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên 600 cặp vợ chồng cho thấy, 88% đàn ông Việt được hỏi đều nói bếp núc là việc của phụ nữ.
Nam nhà văn tuyên bố "Bếp là lãnh địa của phụ nữ, bắt đàn ông vào bếp là hành động dã man... Không phải cứ lôi cổ đàn ông giúi vào bếp là đã bình đẳng giới. Nhét đàn ông vào bếp tuyệt đối không phải là giải phóng phụ nữ".
Ngay lập tức, MC Thùy Minh lên tiếng phản đối gay gắt quan điểm của Hoàng Anh Tú bằng câu hỏi “Đàn ông có cần vào bếp?”. Thùy Minh đưa ra hàng loạt so sánh về đàn ông Pháp, Italy và Việt Nam để thấy được sự khác nhau trong văn hóa gia đình mỗi quốc gia. Đàn ông Italy thì được mẹ nấu ăn, đàn ông Pháp chọn cách ra nhà hàng, còn đàn ông Việt luôn gán chuyện bếp núc cho vợ.
"Ngày 8/3 còn chả phải động tay động chân gì. Chỉ cần một bông hoa mang về, cô ấy sẽ làm tất cả. Không có hoa thì sao á? Thì cô ấy vẫn sẽ làm tất cả", Thùy Minh viết. Theo cô, đây không phải sự khác nhau về lối sống, thói quen, văn hóa, mà đó là nhận thức về sự sẻ chia giữa vợ và chồng.
Bên cạnh đó, Thùy Minh cũng phản đối lối suy nghĩ “hầu hết đàn ông đều không giỏi việc nấu ăn” của nhà văn Anh Tú. Cô mang bản thân ra làm ví dụ, vợ là người đi chợ chọn trái cây, mua trứng và thịt xông khói, còn bữa sáng luôn do chồng nấu. Và nhiều đầu bếp nổi tiếng trong các nhà hàng, khách sạn đều là đàn ông.
Theo Thùy Minh, văn hóa gia trưởng ăn vào máu nên đàn ông Việt quá quen với việc được nấu cho ăn, được dọn sạch bát đĩa. Vì thế, lý do đàn ông không vào bếp nấu ăn mà nhà văn Anh Tú đưa ra, vì thiếu sự khéo léo, vì không phù hợp với căn bếp đầy "những thứ nho nhỏ xinh xinh, chả thứ nào công nghệ sất, toàn chạy bằng sự khéo léo, tinh tế và tay chân như đồ bếp thông dụng hiện nay"... chỉ là lời bao biện.
Trên facebook, Thùy Minh không cho rằng phụ nữ vào bếp quanh năm là lỗi của đàn ông. Bởi ngay từ nhỏ, mẹ cô đã dạy “Con ạ, không biết nấu cơm về sau không bao giờ lấy được chồng đâu”. Nhiều người mẹ khác cũng dạy con gái của mình như vậy. Nếu phụ nữ không thay đổi suy nghĩ, đàn ông sẽ càng khó sửa chữa quan điểm.
Chia sẻ của Thùy Minh nhận được nhiều phản ứng đa chiều từ người theo dõi. Phần đông cho rằng, đàn ông nên vào bếp để thể hiện tình yêu, quan tâm và chia sẻ với vợ. Ngược lại vẫn có luồng ý kiến khác đồng tình với quan điểm của nhà văn Anh Tú, phản đối đàn ông vào bếp, vì nấu ăn và chăm con là thiên chức của nữ giới.
"Chồng làm việc, vợ cũng làm việc, hà cớ gì luôn là phụ nữ nấu ăn cho gia đình. Cái cảnh đi làm về trễ mà nhà cửa bề bộn, con cái kêu khóc mà chồng thì vẫn cứ ngồi im chờ vợ về nấu cơm thật ớn quá! Như chị Thùy Minh, tôi chắc chắn sẽ dạy con trai mới 4 tuổi của mình, không chia sẻ bếp núc sẽ không bao giờ lấy được vợ đâu con ạ!", facebook Tú Linh viết.
Trong khi đó, facebook Minh Hoàng ủng hộ quan điểm của nhà văn Anh Tú và cho rằng: "Tại sao đàn ông lại phải vào bếp? Dù vợ làm giáo viên, tôi làm văn phòng thì vợ vẫn phải đón con, nấu ăn thôi. Nếu phải vào bếp thì đàn ông lấy vợ làm gì nữa".
Thùy Minh đang có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, bên cạnh người chồng biết yêu thương, san sẻ chuyện bếp núc với mình. Cô cho rằng, hạnh phúc gia đình vốn xuất phát từ những niềm vui nhỏ bé như vậy. Bếp núc là sẻ chia, thể hiện tình yêu thương, thấu hiểu và cảm thông đến người bạn đời, chứ không chỉ là câu chuyện bình đẳng giới hay không.
An San