Trong tọa đàm "Vì sao nên dạy trẻ về tiền từ sớm" do Báo điện tử VnExpress và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential hợp tác tổ chức, MC - Biên tập viên Diệp Chi chia sẻ, khi con lên 3 tuổi, cô đã sớm có định hướng và bắt đầu từ những việc đơn giản như dạy con phải chờ đợi để có một món đồ yêu thích. Nữ MC khuyến khích các phụ huynh khi dạy con về quản lý tài chính cần đặt mình vào vị thế của trẻ, đối xử với trẻ một cách công bằng và tôn trọng. Mỗi lần du lịch, cô đều cùng con lập kế hoạch và để bé tham gia vào quyết định chi tiêu. "Đôi khi bé Sumo còn là trợ lý đắc lực trong việc giúp mẹ kiểm soát chi tiêu trước những 'bẫy' giảm giá", cô hài hước thú nhận.
Diệp Chi cho rằng nhiều cha mẹ thường tỏ ra vội vã khi nói chuyện về tiền bạc với con, nhất là khi con có những đòi hỏi hay đưa ra những câu hỏi khó như: "Là do cha, mẹ hết tiền rồi ạ?". Cách giải quyết mà cô tâm đắc là đặt vấn đề "Tiền từ đâu mà có?" cho con, từ đó, giải thích cho bé hiểu những nỗ lực của người lớn để làm ra tiền và giá trị thật của đồng tiền.
Ngoài ra, theo nữ biên tập viên 8x, phụ huynh Việt Nam thường mong muốn con trẻ lớn lên có thể độc lập và tự chủ về tài chính nhưng không nhiều người hiểu rõ cách dạy con về đồng tiền. Diệp Chi tự nhận mình chưa đủ kiến thức về quản lý tài chính nhưng cô không ngại học hỏi và mong muốn có nhiều chỉ dẫn tốt hơn. Cô tâm niệm làm cha mẹ là một quá trình dài và cũng cần phải học từng ngày, nên việc chuẩn bị cho chính bản thân mình có thể đồng hành cùng con học về tiền là rất cần thiết. Giáo dục tài chính thực chất lại bắt đầu từ những việc đơn giản cả gia đình cùng làm hay những lời nhắc nhở, chỉ bảo hàng ngày.
Các chuyên gia và khách mời (gồm đại diện JA Việt Nam Đoàn Bích Ngọc, Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam và MC - Biên tập viên Diệp Chi) đồng quan điểm rằng việc giáo dục trẻ về đồng tiền từ sớm là quan trọng. Phụ huynh nên lắng nghe và đồng hành cùng con để xây dựng giáo dục hiệu quả. Vì vậy, mỗi bậc cha mẹ đều nên tự trang bị kiến thức về quản lý tài chính cho mình.
Một trích dẫn mà nữ biên tập viên Diệp Chi rất tâm đắc từ cuốn sách Cha giàu cha nghèo đó là nếu cha mẹ không quyết tâm dạy, xây dựng nền tảng tốt cho con về tiền, có thể con sẽ học được những điều đó từ người xấu. Vì vậy, việc giáo dục tài chính cho trẻ từ sớm là rất quan trọng. Tham dự sự kiện, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam cũng đồng tình và chỉ ra thực trạng thiếu sót trong kiến thức về tài chính của thanh niên Việt Nam. Nam chuyên gia cho rằng việc giáo dục về tài chính cho trẻ nên bắt đầu càng sớm càng tốt và có thể dạy trẻ từ năm 6 tuổi.
Hải My, Ảnh: Giang Huy
Tọa đàm "Vì sao nên giáo dục trẻ em về tiền ngay từ bé?" thuộc dự án giáo dục quản lý tài chính Cha Ching, do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp cùng VnExpress tổ chức. Dự án được phát triển bởi Quỹ Prudence (Quỹ hỗ trợ cộng đồng của Tập đoàn Prudential tại châu Á) và được dịch ra 10 ngôn ngữ giảng dạy trên nhiều quốc gia châu Á.
Tại Việt Nam, chương trình đã được triển khai ở các trường tiểu học thông qua chuỗi hoạt động "học mà chơi, chơi mà học" đa dạng và lôi cuốn. Với hình thức mới mẻ, Cha Ching giáo dục cho trẻ từ 7 đến 12 tuổi và cả người lớn về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính, rèn luyện và phát triển toàn diện các thói quen quản lý tài chính thông minh.
Các buổi chia sẻ kiến thức và cuộc thi trực tuyến về quản lý tài chính cho trẻ sẽ được cập nhật trên fanpage của Prudential Việt Nam tại đây.