Trong báo cáo thị trường trái phiếu tiền tệ mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán MB nhận định Chính phủ cần rất nhiều tiền để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân - những đối tượng dễ tổn thương bởi dịch bệnh.
"Với việc cần đẩy mạnh chi tiêu, lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ tăng trong thời gian tới để thu hút nhà đầu tư", chuyên gia của Chứng khoán MB dự đoán. Nếu lãi suất đấu thầu không được Kho bạc Nhà nước điều chỉnh theo hướng tích cực cho nhà đầu tư, tỷ lệ trúng thầu nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức thấp.
Thực tế gần đây lãi suất trái phiếu Chính phủ khá thấp. Lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ sơ cấp kỳ hạn 10 và 15 năm trong tháng 3 lần lượt là 2,28% và 2,63% một năm. Lãi suất dao động quanh vùng thấp lịch sử là nguyên nhân khiến trái phiếu trúng thầu chỉ đạt 6% mức chào bán, trị giá khoảng 530 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước mới phát hành hơn 33.500 tỷ đồng trái phiếu, hoàn thành 13% kế hoạch. Trái phiếu kỳ hạn 10, 15 và 30 năm đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số này.
Thị trường trái phiếu thứ cấp cũng giao dịch ảm đạm khi lãi suất giảm trở lại sau đợt tăng mạnh cuối tháng 3. Lãi suất kỳ hạn 2 năm giảm từ 2,67% xuống 2,39% một năm. Kỳ hạn 10 năm giảm từ 3,54% xuống 3,35% một năm. Diễn biến này tương tự nhiều nước châu Á khi các ngân hàng trung ương đồng loạt bơm gói kích thích nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bình quân giá trị giao dịch mỗi phiên đạt gần 6.600 tỷ đồng, chưa đến phân nửa so với tháng trước và xuống mức thấp nhất tính từ cuối năm 2018. Điểm tích cực là khối ngoại đã mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu tháng này.
Phương Đông