Mazda đang đi nửa đường trong kế hoạch lớn 10 năm thay đổi định vị thương hiệu trên toàn cầu. Hãng xe Nhật bước đầu thành công khi xây dựng danh tiếng với đặc trưng vận hành thú vị (fun-to-drive), nhưng vẫn chỉ là một thương hiệu ở hạng thấp. Tại thị trường Mỹ, nhiều khách hàng sau khi sở hữu Mazda sẽ đổi sang xe hãng khác, USAtoday dẫn.
Mục tiêu cuối cùng của hãng là thay đổi nhận thức về thương hiệu của khách hàng, vừa là xe có khả năng lái tuyệt vời, vừa có những giá trị khác bằng cách cải tiến thiết kế, vận hành và mức nhiên liệu tiêu thụ.
Nhận trách nhiệm lớn này ở Bắc Mỹ là Masahiro Moro, CEO của Mazda Bắc Mỹ được bổ nhiệm vào tháng 12/2015. Moro làm việc ở Mazda từ năm 1983 và giữ nhiều vị trí, chủ yếu thuộc bộ phận marketing.
"Chúng tôi cần có một cú nhảy vọt trong tư tưởng", ông nói với các phóng viên ở Detroit. "Và tôi hy vọng Mazda có thể khẳng định vị trí là một lựa chọn thông minh ở phân khúc cao cấp trong tương lai".
5 năm trước, lòng trung thành thương hiệu của Mazda (chỉ số được đánh giá bằng tỷ lệ khách hàng sở hữu Mazda đổi tiếp xe Mazda khác) khá thấp, chỉ khoảng 30%. Sau khi thay đổi thiết kế, phong cách vận hành, tỷ lệ này tăng nhẹ lên mức 38%.
Mazda hy vọng có thể thay đổi con số này theo chiều hướng tích cực hơn. Giá một giao dịch mua bán trung bình cho xe Mazda ở Mỹ là 26.345 USD vào tháng 6, trong khi con số trung bình của toàn ngành là 33.887 USD, tức là giá xe Mazda thấp hơn mức trung bình thị trường, theo thống kê của Kelley Blue Book.
Chiếc crossover mới CX-9 bán từ cuối tháng 5 là đại diện cho chiến lược mới của hãng xe Nhật. Giá xe bắt đầu ở mức 31.520 USD cho bản thể thao nhưng tăng thành 44.000 USD cho bản cao cấp. Mẫu xe mới nhận những đánh giá tích cực cho thiết kế và khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Xuất phát điểm thấp hơn nên Mazda dùng nhiều biện pháp kích thích bán hàng để cạnh tranh với các hãng xe đồng hương. Nhưng theo Moro, điều đó dẫn tới chu kỳ bùng nổ rồi thoái trào. Ví dụ, Mazda trên bờ vực phá sản vào giữa những năm 90, cho tới khi Ford tung gói 481 triệu USD để cứu, tăng tỷ lệ cổ phần của hãng xe Mỹ lên 33,4%.
Năm 2010, Ford cho biết lên kế hoạch bán toàn bộ cổ phần ở Mazda, để hãng xe Nhật tự xoay xở, đồng thời cú đấm bồi của làn sóng thay đổi công nghệ khiến các hãng xe nhỏ phải tìm thêm nguồn tài chính để tồn tại. Khi đó, lãnh đạo hãng đánh giá lại văn hóa công ty và quyết định cần nhiều thay đổi triệt để hòng đưa công ty phát triển, bán xe và định vị thương hiệu Mazda trên thị trường.
Moro thừa nhận Mazda là hãng nhỏ khi chỉ chiếm 2% thị phần xe hơi toàn cầu, nhưng năm ngoái hãng giành kết quả tốt với hơn 1,5 triệu xe bán ra khắp thế giới, tốc độ tăng trưởng 14%. Trong khi đó, những "người khổng lồ" của thị trường mỗi năm bán hơn 9 triệu xe.
Moro cho biết Mazda chấp nhận là hãng nhỏ. Công ty cắt giảm ưu đãi ở Mỹ và giảm số nhân viên bán hàng. Những quyết định này bởi suy giảm doanh số bán hàng 8% trong 6 tháng đầu năm. Lượng CX-9 tồn kho cũng tăng lên vì lượng bán chậm lại.
Robert Davis, phó chủ tịch cao cấp của Mazda tại Mỹ cho biết "chúng tôi đang khó khăn, nhưng đó là bởi hãng tập trung vào giá trị cốt lõi và quản lý sức mạnh thương hiệu".
Còn Moro lại nhấn mạnh rằng, doanh số chưa phải tất cả ở thời điểm này, "chúng tôi đang cố gắng truyền đạt giá trị thương hiệu độc đáo và khiến khách hàng thấu hiểu".
Mazda là cơn gió lạ, nhưng chưa thực sự đủ mát để giữ khách ở lại tận hưởng lâu hơn.
Đức Huy