Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học London (UCL - Anh) đã sử dụng một thuật toán để dạy máy tính bắt chước chữ viết của con người. Cụ thể, máy tính sẽ ghi nhớ mẫu chữ viết tay từ một đoạn văn bản cho sẵn, đánh giá chất lượng rồi viết ra theo phong cách y hệt.
Hiện nay đã có nhiều chương trình giúp các máy tính tạo được những đoạn văn bản gần giống với chữ viết. Tuy nhiên, nhóm nhà nghiên cứu tại UCL do Tom Haines dẫn đầu đã tạo ra phần mềm để máy tính "tái tạo" đầy đủ, chi tiết chữ viết tay của bất kỳ người nào.
Hệ thống mới được đặt tên "My text in your handwriting" và đã được thử nghiệm trên nhiều mẫu chữ viết khác nhau, trong đó bao gồm cả của những nhân vật lịch sử như cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln hay Sir Arthur Conan Doyle, tác giả của bộ truyện trinh thám nổi tiếng xoay quanh vị thám tử Sherlock Holmes.
Trong những bài thử nghiệm mà Tom Haines cùng chương trình của mình đã trải qua, có trường hợp người viết mẫu có nét chữ được miêu tả là "vô cùng xấu, xấu đến mức cả người nhà cũng phải vất vả mới luận ra được". Người này cung cấp mẫu thử được viết tay trên giấy, sử dụng bút bi.
Chương trình bắt đầu đánh dấu từng chữ cái và dấu câu một, phân tích một số chi tiết trong bản viết tay. Sau khi quá trình này hoàn tất, Tom bắt đầu thuật toán và gõ vào ô nhập liệu chữ "Hello" (Xin chào). Một loáng sau, chữ "Hello" khá rõ ràng hiện lên màn hình và người viết mẫu phải công nhận nét chữ này gần như không khác biệt với "nét chữ như mèo cào" của mình. Độ khó được nâng lên với một câu văn đầy đủ và kết quả cũng hết sức khả quan.
Mục đích sử dụng cụ thể hay thương mại của chương trình này hiện chưa được xác định vì đang dừng lại ở mức nghiên cứu. Theo Tom Haines, chương trình không thể sử dụng cho các mục đích phi pháp (ví dụ giả chữ ký trong các văn bản, chứng từ) bởi chỉ cần kiểm tra kỹ bằng kính hiển vi là có thể phát hiện ra "tác giả" là con người hay máy tính.
Thu Ngân (theo BBC)