Dòng máy tính để bàn mới nhất mang thương hiệu Lenovo thuộc Serie J sử dụng bộ xử lý của Intel hoặc AMD. (pc.ibm.com) |
Người dùng xưa nay vẫn chỉ biết đến thường hiệu máy tính IBM ThinkPad và ThinkCenter, kể cả trong gần một năm qua, từ khi Lenovo đã mua lại bộ phận này vào tháng 5 năm ngoái. Còn các máy tính mang tên Lenovo thường chỉ phổ biến ở thị trường Trung Quốc.
Họ sản phẩm đầu tiên mang tên Lenovo được ra mắt thị trường ngoài là serie 3000, được dành cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Đây là phần bù của dòng máy tính xách tay bán chạy Thinkpad và dòng máy để bàn Think Center từng đánh bóng tên tuổi IBM và vốn chỉ thích hợp cho các công ty tầm cỡ.
Máy tính xách tay Lenovo 3000 C100 sử dụng bộ xử lý Pentium M hoặc Celeron M. (pc.ibm.com) |
Giám đốc Lenovo thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Andrew Sotiropoulos, cho biết, các doanh nghiệp nhỏ hiện chiếm 40% cơ hội thị trường trong khu vực.
Công ty nghiên cứu thị trường Gartner cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu trong năm ngoái đã dành 400 tỷ USD cho việc trang bị máy tính và các dịch vụ liên quan. Con số cho năm nay được kỳ vọng sẽ còn cao hơn.
Dựa trên nghiên cứu của IDC, giám đốc Sotiropoulos cho biết Lenovo chỉ giành được 4% thị phần về thị trường doanh nghiệp nhỏ trong khoảng thời gian tính từ tháng 10/2004 đến tháng 9/2005. Trong khi thị phần ở tầng khách hàng công ty lớn của Lenovo chiếm 14% và công ty quy mô vừa chiếm 12%.
Máy tính xách tay Lenovo 3000 N100 kiểu dáng thời trang, màn hình 16:9, 14,1" hoặc 15,4". (pc.ibm.com) |
Việc giới thiệu loạt sản phẩm dành cho châu Á - Thái Bình Dương và mang thương hiệu Lenovo cũng được hãng kỳ vọng là đòn bẩy để thu hút sự chú ý đến Trung Quốc và hướng tới Olympic 2008 diễn ra tại Bắc Kinh, theo giám đốc Sotiropoulos.
Từ khi tiếp quản bộ phận kinh doanh PC của hãng IBM hồi tháng 5 ăm ngoái với kinh phí 1,75 tỷ USD, Lenovo bỗng nhiên vươn lên vị trí nhà sản xuất lớn thứ ba toàn cầu chỉ sau Dell và HP (Hewlett-Packard).
T.B. (theo AFP)