Cơ quan tình báo Anh GCHQ công bố những hình ảnh chưa từng thấy trước đây về Colossus, máy tính giải mã bí mật của Anh từng góp phần giúp phe Đồng minh chiến thắng trong Thế chiến II, BBC hôm 18/1 đưa tin. GCHQ tung ra những hình ảnh này nhằm kỷ niệm 80 năm phát minh ra Colossus, thiết bị được nhiều người coi là máy tính kỹ thuật số đầu tiên. Loạt ảnh mang đến những thông tin mới về nguồn gốc và cách hoạt động của chiếc máy tính.
Sự tồn tại của Colossus được giữ bí mật cho đến đầu những năm 2000. "Đổi mới công nghệ luôn là trọng tâm trong công việc của chúng tôi tại GCHQ, và Colossus là một ví dụ hoàn hảo về cách các nhân viên giúp chúng tôi đi đầu về công nghệ mới - kể cả khi chúng tôi không thể nói về nó", Anne Keast-Butler, giám đốc GCHQ, cho biết.
Lâu đài Bletchley Park, trung tâm giải mật mã của Anh, đã giải thành công mật mã Enigma mà Đức Quốc xã sử dụng. Nhưng đến năm 1943, người Đức sử dụng một hệ thống mật mã mới và phức tạp hơn gọi là Lorenz. Các tin nhắn cần tới 8 tuần để giải mã bằng tay trong khi các mã thay đổi hàng đêm, đòi hỏi Anh phải phát triển một hệ thống máy tính điện tử mới để phá mật mã Lorenz đủ nhanh.
Kỹ sư người Anh Tommy Flowers dành 11 tháng để thiết kế và chế tạo Colossus tại Dollis Hill, tây bắc London. Sau khi thử nghiệm và kiểm tra, phiên bản Colossus Mark I được vận chuyển đến Bletchley Park vào tháng 12/1943 - 1/1944. Tại đây, cỗ máy được lắp đặt bởi Harry Fensom và Don Horwood, sau đó đi vào hoạt động đầu năm 1944.
Phiên bản Colossus đầu tiên trang bị khoảng 1.600 van. Nó hoạt động hiệu quả tới mức đến cuối Thế chiến II, đã có khoảng 10 chiếc được chế tạo, bao gồm cả phiên bản Mark II nhanh hơn với khoảng 2.500 van. Nó chiếm chỗ tương đương một phòng khách với chiều cao hơn 2 m, chiều dài khoảng 5 m và bề rộng 3,4 m. Cỗ máy nặng khoảng 5 tấn và sử dụng 8 kW điện, trang bị khoảng 100 cổng logic và 10.000 điện trở kết nối bằng 7 km dây điện.
Colossus giúp tăng tốc độ giải mật mã Lorenz phức tạp từ nhiều tuần xuống chỉ còn vài giờ. Các nhà sử học cho rằng máy tính giúp rút ngắn cuộc chiến. Colossus đòi hỏi một đội ngũ người vận hành và kỹ thuật viên tay nghề cao để vận hành và bảo trì. Đến cuối chiến tranh, 63 triệu ký tự trong các thông điệp cấp cao của Đức đã được giải mã bởi 550 người làm việc trên các máy tính. Sau cuộc chiến, 8 trong số 10 máy tính đã bị phá hủy.
"Từ góc độ kỹ thuật, Colossus là tiền thân quan trọng của máy tính điện tử kỹ thuật số hiện đại. Trong số những người sử dụng Colossus tại Bletchley Park, nhiều người đã tiếp tục trở thành những nhà tiên phong và người dẫn đầu quan trọng của ngành máy tính tại Anh trong những thập kỷ sau", Andrew Herbert, chuyên gia tại Bảo tàng Máy tính Quốc gia Anh, cho biết.
Thu Thảo (Theo BBC, Telegraph)