Phạm Hùng Thái, người địa phương, cho biết chứng kiến đám mây như đang "đội mũ" cho đỉnh núi vào khoảng 6h hôm nay khi trên đường đi làm. Đây không phải lần đầu anh Thái chứng kiến cảnh tượng này. Đám mây có hình dạng tương tự cũng xuất hiện ở đỉnh núi Bà Đen hồi tháng 11 năm ngoái.
"Dù từng thấy hình ảnh này, nhiều người vẫn hiếu kỳ đứng xem", anh cho biết.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), hiện tượng trên thực chất là mây dạng thấu kính (Lenticular clouds), thường hình thành ở những dãy núi cao. Thông thường mây thấu kính hình thành theo hướng song song với hướng gió, tách thành ba loại gồm Altocumulus, Stratocumulus và Cirrocumulus (lần lượt là mây trung tích, tầng tích và ti tích) tuỳ vào điều kiện thời tiết, địa hình.
Khi không khí ẩm và ổn định chảy qua một ngọn núi, một loạt các lượt sóng (không khí) dừng có thể hình thành ở mặt bên của nó. Nếu nhiệt độ tại đỉnh sóng giảm xuống dưới điểm sương, hơi nước lơ lửng sẽ ngưng tụ lại tạo thành đám mây dạng thấu kính.
Trong quá trình tiếp tục của dòng không khí, khi đi xuống chỗ lõm của sóng, đám mây có thể bốc hơi, tạo nên các cạnh đặc trưng. Ở một số điều kiện nhất định, chuỗi dài các đám mây dạng thấu kính có thể hình thành gần đỉnh của mỗi đợt tiếp theo trong một mô hình đám mây, có thể kéo dài hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn km.
Ngoài núi Bà Đen, hiện tượng này từng xuất hiện trên đỉnh núi Phú Sĩ (Nhật Bản) vào năm 2012. Tháng 6/2021, đám mây hình mũ này cũng đã gây chú ý ở khu vực miền Nam Thái Lan. Hồi tháng 3/2022, cư dân ở Scotland cũng được chứng kiến hiện tượng tương tự.
Nằm cách TP HCM khoảng 100 km, núi Bà Đen đang trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực Nam bộ bởi hệ thống các công trình tâm linh và cảnh sắc thiên nhiên.
Bên cạnh hiện tượng mây thấu kính, ngọn núi được mệnh danh là "nóc nhà Nam bộ" này cũng từng xuất hiện nhiều hiện tượng mây lạ như đám mây hình phượng hoàng vào dịp Tết Dương lịch hay hiện tượng "cầu vồng lửa" trên đỉnh núi vào tháng 1.
Tú Nguyễn