Máy in 3D của hãng Desktop Factory. Ảnh: NYT. |
Máy in 3D nói trên của Desktop Factory có hình dáng giống một lò nướng bánh đơn giản, dùng bóng đèn halogen để làm tan chảy bột nhựa và sau đó tạo hình (in) các đối tượng 3D, thay vì dùng mực như trên giấy.
"Trong tương lai, có thể mọi người sẽ dùng kiểu máy in như thế này ở nhà. Bạn có thể in từ bàn chải đánh răng, cái dĩa ... cho đến đôi giày", Hod Lipson, một giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ), nhận định. Ông này đang tiến hành dự án phát triển mẫu máy với giá chỉ có 2.000 USD. Trong khi đó, vào cuối năm nay, công ty tiên phong trong lĩnh vực in ấn 3 chiều là hãng 3D Systems cũng sẽ cho ra mắt một sản phẩm với giá 9.900 USD.
Máy in 3D, thường được gọi là máy tạo mẫu thử nghiệm nhanh, hoạt động theo cơ chế tạo hình vật thể từ một tập hợp các điểm vật chất nhỏ, tương tự như máy in truyền thống tạo ảnh từ những chấm mực. Chúng dựng nên mô hình theo một khối gồm nhiều lớp mỏng, mỗi lớp được tạo bởi chất lỏng hoặc chất dẻo nghiền thành bột mà sau đó có thể kết rắn lại nhờ hơi nóng, ánh sáng hoặc hóa chất.
Máy in 3 chiều đã xuất hiện khoảng 1 thập kỷ, chủ yếu được dùng trong các xưởng thiết kế công nghiệp để kiểm tra mẫu thiết kế xe hơi, máy bay và một số sản phẩm khác trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Những sản phẩm máy in 3D đời đầu có giá tới 100.000 USD/chiếc còn giá trung bình hiện nay là 15.000 USD. Trong 2 năm tới, mức tiền sẽ còn hạ thấp hơn nhiều.
P.K. (theo Gizmodo, NYT)