![]() |
(Thanh Niên) |
Đề tài cũng nói đến hướng tiếp theo là chế tạo máy bay VAM-2 có tỷ lệ nội địa hoá khoảng 70%. Và trong 5 năm tới, máy bay nhỏ sẽ trở thành một sản phẩm chủ lực, đặc biệt là trong ngành hàng không dân sự của TP HCM.
Tuy nhiên, ông Chiến cho biết theo nội dung công văn ngày 2/2/2004 của Cục Đăng kiểm Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tại và báo cáo kết quả việc đánh giá và khảo sát kèm theo, thì máy bay VAM-1 thực chất là máy bay cũ, kiểu BEAVER RX 550, số xuất xưởng TCO22114, đã đăng ký ở Canada với số hiệu C-IBUN, chứ không phải là máy bay được thiết kế, chế tạo mới. Theo website www.transportcanada.org của Bộ giao thông vận tải Canada thì máy bay này được đăng ký lần đầu từ năm 1984. Hội cơ học chỉ thực hiện một vài cải tiến (hoán cải) trên máy bay đó.
VAM-1 là máy bay siêu nhẹ. Ở các nước công nghiệp phát triển, những máy bay như vậy được sản xuất hàng loạt, giá bán cỡ chục nghìn đôla mỗi chiếc, chủ yếu cho những người yêu thích bay giải trí. Ông Chiến cũng cho rằng nên xem xét lại ý kiến sử dụng VAM-1 trong du lịch, phục vụ nông nghiệp và một số lĩnh vực khác như y tế, chữa cháy...
Về pháp lý, muốn bay phục vụ cuộc sống, tức là bay thương mại thì máy bay phải có ít nhất hai động cơ. Bởi vì động cơ không thể có độ tin cậy tuyệt đối, tức là không bao giờ xảy ra chết máy khi bay. Mà VAM-1 chỉ có một động cơ, lại là động cơ pit-tông, với độ tin cậy thấp hơn động cơ phản lực.
Thứ hai, muốn bay vận tải thương mại thì phải có khả năng mang "tải thương mại", tức là ngoài trọng lượng bản thân máy bay cộng thêm trọng lượng phi công, nhiên liệu, dầu nhờn, các thiết bị phục vụ cho khai thác như ghế ngồi cho khách, thiết bị cứu thương, hoặc bình chữa cháy..., máy bay còn có khả năng chở thêm hành khách, chất dập cháy, hạt giống... "Tôi không nghĩ rằng VAM-1 có thể đáp ứng các yêu cầu tối thiểu trên", ông Chiến nói.
Sau nữa, máy bay có nhiều loại, mục đích sử dụng cũng khác nhau, như để bay giải trí, vận tải thương mại... Mỗi loại có tiêu chuẩn thiết kế riêng, các yêu cầu bảo dưỡng, khai thác cũng khác nhau, nhưng đều phải đáp ứng các yêu cầu rất cao về an toàn, nhằm đảm bảo tính mạng cho người ngồi trên đó, tính mạng cho người và an toàn cho công trình ở mặt đất. "Chúng ta đã có một số bài học về an toàn bay đối với các loại máy bay tự thiết kế và sản xuất. Gần 30 năm trước, đã có máy bay rơi ở hồ Lâm Du, xã Bồ Đề, Gia Lâm. Mới đây lại nghe nói có máy bay tự "thiết kế và sản xuất trong nước" rơi ở Đồng Mô, Sơn Tây, may mà không chết người".
(Theo Tia Sáng)