11h04, chiếc Su-22 số hiệu 5880 của Trung đoàn 929, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân xuất phát từ sân bay Đà Nẵng trong chuyến bay huấn luyện ngày. 10 phút sau, phi công báo máy bay gặp sự cố không thể về hạ cánh.
Chỉ huy bay lệnh cho phi công cố gắng đưa máy bay ra khỏi khu đông dân cư sau đó nhảy dù. Đại úy phi công Đỗ Tiến Đức, Phi đội trưởng Phi đội 1, đã nỗ lực đưa máy bay ra xa khu dân cư và nhảy dù xuống vị trí cách trục đường băng về phía nam 19 km, thuộc xã Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, Bộ Quốc phòng cho biết.
Khoảng 11h15, một người dân đang làm cỏ lạc ngoài đồng bỗng nghe tiếng rít của máy bay trên trời. Nhìn lên, anh thấy vệt khói dài và máy bay đang lao rất nhanh. Vài giây sau, chiếc dù được bung ra, đưa phi công thoát khỏi máy bay trước khi nó rơi xuống.
Cùng gia đình đang xem tivi ở gian nhà trên thì anh Nguyễn Thanh Quốc, 37 tuổi, nghe tiếng nổ. Chạy ra ngoài, anh thấy mái ngói rơi lả tả, tường và mái của gian nhà dưới kế bên đổ sập. Cách nhà anh vài chục mét, một máy bay rơi xuống khu đất trống, cột khói bốc cao, mảnh vỡ văng khắp nơi.
"Cả gia đình tôi vừa ngồi ăn trưa ở gian nhà dưới, xong lên nhà trên xem tivi được một lúc thì máy bay lao xuống", anh Quốc kể.
Trên mảnh đất trồng hoa màu cách nhà dân không xa, đầu và đuôi máy bay rơi cách nhau khoảng 200 m. Nhiều mảnh vỡ cày sâu xuống đất. Ông Nguyễn Thanh Hùng, 54 tuổi, bị mảnh vỡ bay trúng đầu khi đang chặt chuối sau nhà, hiện cấp cứu ở Bệnh viện Vĩnh Đức.
Theo Bộ Quốc phòng, máy bay bị hư hỏng, không có thiệt hại về người, phi công nhảy dù an toàn, sức khỏe ổn định. Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương phong tỏa hiện trường và điều tra sự việc.
Công an, quân đội, dân quân tự vệ đã căng dây, chốt chặn các ngả đường, lối vào khu vực máy bay rơi. Người dân trong vùng phong tỏa được yêu cầu đóng cổng, không ra ngoài.
Đến 17h30, quân đội đưa xe cẩu và xe tải cỡ lớn vào hiện trường. Xác máy bay được cẩu hoặc dùng máy cắt xẻ nhỏ để đưa lên xe tải. Khu vực xung quanh vẫn đang được phong tỏa. Một chiến sĩ cho biết sẽ thu dọn xác máy bay trong tối nay.
Một năm trước, ngày 31/1/2023, chiếc Su-22 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân do đại úy Trần Ngọc Duy cũng gặp nạn khi bay huấn luyện. Trong lúc hạ cánh, Su-22 gặp sự cố, phi công được lệnh nhảy dù nhưng đã cố cứu máy bay. Sau đó Su-22 rơi, phi công hy sinh.
Su-22 do Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970. Việt Nam bắt đầu nhận Su-22M/UM năm 1979. Đây là chiến đấu cơ đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Loại máy bay này thân dài, buồng lái lớn và đặc biệt ứng dụng công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép tăng tốc nhanh chóng.
Đắc Thành - Nguyễn Đông - Sơn Hà