Thứ tư, 24/4/2024
Thứ hai, 22/12/2014, 16:37 (GMT+7)

Máy bay mô hình bay lượn trên sân bay Gia Lâm

Sáng 21/12, Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc tổ chức gặp mặt và biểu diễn máy bay mô hình.

Sáng 21/12 tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), hơn 100 thành viên CLB Hàng không phía Bắc đến từ Hải Phòng và Hà Nội tham gia trình diễn máy bay mô hình. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 25 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân.

Người già nhất 77 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi, các thành viên cùng tham gia buổi trình diễn với máy bay do họ tự lắp ráp, nhiều máy bay còn được tự chế từ động cơ máy cắt cỏ…

Anh Tống Ngọc Tuấn, 35 tuổi, chơi dòng máy bay chiến đấu được 2 năm, anh có 4 cái khác nhau để thoả đam mê. 

Bác Phạm Cao Hạnh, 72 tuổi, đã chơi máy bay mô hình được 30 năm. Chiếc máy bay này do bác Hạnh tự chế trong 20 ngày, dùng một động cơ 26 cm3 của Nhật Bản.

Mô hình máy bay các thể loại được các thành viên trong câu lạc bộ trưng bày trước khi thực hiện những pha nhào lộn, thả dù trên không.

Để có được một chiếc máy bay như thế này với khả năng nhào lộn, rượt đuổi, nhiều người phải chi đến cả nghìn USD để mua sắm máy móc, vật liệu và tìm kiếm tài liệu... Tuy vậy, thú chơi này vẫn thu hút khá nhiều người và họ luôn có trong tay từ 5-7 chiếc máy bay khác nhau.

Máy bay mô hình điều khiển bằng vô tuyến hiện có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy thuộc vào kích cỡ thân vỏ, vật liệu, động cơ… Cá biệt, có cả mẫu máy bay trực thăng mô hình dùng để quay phim chuyên nghiệp trị giá hàng nghìn USD được trang bị bộ điều khiển bay được lập trình bằng máy tính.

Không gian rộng lớn của sân bay không làm giảm đi tiếng gầm rú của động cơ mỗi khi máy bay thực hiện những động tác nhào lộn, xoắn vòng, bổ nhào....

Điều khiển các mô hình này đều là những thành viên có thâm niên lâu năm chơi máy bay mô hình đang sinh hoạt trong CLB Hàng không phía Bắc.

Trong giới máy bay mô hình cũng phân ra đẳng cấp rõ rệt. Người mới chập chững biết chơi là "dân amateur” vì thường sử dụng máy bay lắp ráp sẵn. Chỉ cần 300.000 đồng là người chơi đã có thể sắm được một chiếc.

Những người được xếp vào hàng dân chơi "pro" đòi hỏi phải có hiểu biết về khí động học, cơ khí và hàng không vì họ thường tự đi mua động cơ, vật liệu và tìm kiếm tài liệu để "dựng" chiếc máy bay theo ý mình. Chính sự kỳ công này mà nhiều khi số tiền bỏ ra cho mỗi chiếc máy bay lên tới hàng nghìn USD.

Em Nguyễn Quang Minh, 12 tuổi, đã chơi máy bay mô hình được 5 năm. Bố em cũng là thành viên trong câu lạc bộ, chiếc máy bay của Minh được bố lắp ráp cho.

Một mô hình máy bay trung bình có thể bay với vận tốc 20 đến 60 dặm/giờ và nặng khoảng 2,8 - 3kg, lực va đập rất mạnh và nguy hiểm, nhất là đối với con người. Mô hình phải được điều khiển một cách thích hợp nhằm bảo đảm an toàn cũng như tạo ra sự thích thú.

Đây là những chiếc máy bay được làm bằng xốp, do các bạn tự chế. Máy bay bằng xốp đơn giản, chạy bằng pin và ít tốn kém hơn những mô hình máy bay to kia.

Giang Huy