Một số phi công và chuyên gia hàng không cho rằng một vụ nổ trên máy bay có lẽ là nguyên nhân của vụ tai nạn. Chiếc phi cơ khi đó đang ở tầm bay cao, thời điểm an toàn nhất của hành trình và có khả năng đang ở chế độ lái tự động.
"Chiếc máy bay 777 có thể bay sau khi bị sét đánh và thậm chí là ngay cả trong trường hợp giảm áp suất nghiêm trọng. Nhưng nếu đó là một vụ nổ, thì không còn cơ hội nào nữa. Thế là hết”, Reuters dẫn lời một cựu phi công của Malaysia Airlines.
Ông John Goglia, cựu thành viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), nhận định việc không có một cuộc gọi cứu nạn nào chứng tỏ máy bay bị nổ do bị giảm áp suất nghiêm trọng hoặc một thiết bị nổ.
"Nó chắc chắn đã diễn ra rất nhanh, bởi không có thông tin liên lạc nào", ông Goglia nói. Ông cũng cho rằng việc có hai hành khách sử dụng hộ chiếu giả cũng là một tín hiệu nguy hiểm lớn.
Tuy nhiên, với hệ thống phát hiện đốm sáng trên toàn thế giới, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xem xét dữ liệu giám sát sơ bộ khu vực nơi máy bay mất tích, nhưng không phát hiện được bất cứ dấu hiệu của một vụ nổ nào, New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Một nhóm chuyên gia hàng không thuộc NTSB đang trên đường đến khu vực máy bay mất tích để tiến hành điều tra.
Theo NBC News, giới chức Mỹ đang điều tra mối quan ngại về khả năng đây là một vụ khủng bố. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cử đặc vụ và chuyên gia kỹ thuật đến Malaysia để hỗ trợ.
Một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho hay công tác điều tra hiện vẫn chưa có tiến triển gì, nhưng cũng nhấn mạnh không thể kết luận đây là vụ tấn công khủng bố, nếu chỉ căn cứ vào việc hai hành khách lên máy bay bằng hộ chiếu giả.
Chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines mất tích từ sáng sớm hôm 8/3 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh. Các trạm theo dõi không nhận được bất kỳ tín hiệu báo nguy cấp nào trước khi máy bay mất tích.
Đức Dương