Jim Scanlan, chuyên gia về khoa học hàng không, đã cùng các cộng sự tại Đại học Southampton (Anh) dành 2 ngày thiết kế sản phẩm trên máy tính bằng phần mềm CAD, sau đó đưa vào một 3D Printer. Máy in chỉ mất 5 ngày để "nhào nặn" các bộ phận từ bột nhựa và kim loại cũng như dùng laser để khắc và tạo hình cho máy bay mang tên Sulsa.
Ngay cả những bộ phận phức tạp và chuyển động như bánh lái cũng được in song song mà không đòi hỏi khâu lắp ráp về sau. Sulsa được trang bị động cơ điện tử (thành phần duy nhất không được in 3D) để không cần dùng đến nhiên liệu và gần như không gây tiếng ồn khi bay.
Sulsa là phiên bản thu nhỏ (sải cánh 1,5 mét) của một máy bay hoàn chỉnh với chi phí tổng cộng 8.000 USD. Trong chuyến bay thử nghiệm kéo dài 10 phút, nó đạt thành tích không tồi với tốc độ tối đa 170 km/giờ.
Thành công này hứa hẹn quá trình chế tạo máy bay thương mại trong tương lai sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ công nghệ in ấn 3D. "Nó cho phép chúng ta đơn giản hóa quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí và thời gian hơn nhiều so với các kỹ thuật khác", Scanlan tin tưởng. (Với phương pháp truyền thống, các bộ phận máy bay được thiết kế, sản xuất riêng rồi lắp ráp, đồng bộ với nhau và quá trình này sẽ mất hàng tháng trời)"
Châu An