Nhóm chuyên gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Joseph Scalea tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, Mỹ, nghiên cứu phát triển phương pháp vận chuyển nội tạng bằng thiết bị bay không người lái, Newsweek hôm 13/12 đưa tin. Tại Mỹ, nội tạng để cấy ghép đang được vận chuyển bằng máy bay hoặc một số phương tiện khác. Việc sử dụng thiết bị bay có thể giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả.
"Ba năm trước tôi bắt đầu tự hỏi, tại sao phải đợi máy bay thương mại để vận chuyển nội tạng. Bệnh nhân của tôi không thể nhận được nội tạng vì không có chuyến bay nào thích hợp. Tôi không chấp nhận chuyện này. Tôi nghĩ chúng ta cần, và có khả năng làm tốt hơn", Scalea chia sẻ.
Tháng 3, nhóm nghiên cứu nhận được một quả thận không đủ điều kiện để cấy ghép. Họ sử dụng nó để tiến hành thử nghiệm. Nhằm bảo quản và theo dõi tình trạng của thận, các chuyên gia chế tạo hộp đựng đặc biệt Homal. Chiếc hộp được trang bị cảm biến sinh học không dây và hệ thống định vị toàn cầu, có thể cung cấp dữ liệu về nhiệt độ, áp suất hay vị trí của cơ quan nội tạng.
Máy bay không người lái DJI M600 Pro đã thực hiện 14 chuyến bay thử nghiệm. Nó có thể mang theo quả thận bay trong 62 phút với vận tốc lên đến 68 km/h. Quả thận vẫn trong tình trạng tốt sau 4,5 tiếng thử nghiệm. Việc kiểm tra trước và sau chuyến bay cho thấy cơ quan nội tạng không chịu tổn thương nào trong quá trình bay.
"Máy bay không người lái có rất nhiều ích lợi như khả năng tự động đưa nội tạng từ điểm A đến B, không cần dùng nhiều phương tiện chuyển tiếp, tiết kiệm thời gian từ lúc tách thận đến lúc cấy ghép, từ đó có thể cải thiện chất lượng của nội tạng khi đưa đến cho bệnh nhân", Scalea bổ sung. Ông cũng cho biết, nhóm nghiên cứu cần thử nghiệm nhiều hơn trong năm 2019 để tăng hiệu quả của việc vận chuyển nội tạng bằng thiết bị bay.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ cấm thiết bị bay không người lái bay cao hơn 122 m và nhanh hơn 161 km/h. Chúng cũng không được phép bay phía trên người hay các tòa nhà liên bang và phải luôn trong tầm quan sát của người vận hành. Những quy định này khiến thiết bị bay gần như không thể tiếp cận bệnh viện trong các thành phố lớn.
Tuy nhiên, nếu giải quyết được những vấn đề trên thì lợi ích của phương pháp mới rất lớn. Khoảng 20% thận hiến tặng ở Mỹ bị loại bỏ vì không được chuyển đến cho bệnh nhân đúng lúc. Điều này tương đương với 2.700 nội tạng bị lãng phí mỗi năm. Scalea hy vọng, khi xử lý được trở ngại về kỹ thuật và pháp lý, việc vận chuyển bằng thiết bị bay sẽ giúp tiết kiệm thời gian và giảm lãng phí nội tạng hiến tặng.