Đây là chỉ thị vừa được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra để đảm bảo an toàn hàng không khi số lượng tàu bay phải nằm sân tiếp tục tăng cao.
Theo Planespotters, Vietnam Airlines đang có khoảng 22 máy bay phải nằm sân trong tổng đội bay 99 chiếc, Vietjet Air là 21 trên 71, Bamboo Airways là 2 trên 27 chiếc, còn Pacific Airlines là 1 trên 15 chiếc.
Nhằm giảm thiểu rủi ro do dừng bay, Cục trưởng Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng thực hiện luân chuyển tàu bay khai thác để đảm bảo việc bảo quản dừng bay không quá 1 tháng. Nếu tàu bay thực hiện bảo quản dừng bay trên 1 tháng do hỏng hóc, sự cố, không đủ cấu hình, hãng hàng không phải báo cáo và được Cục chấp thuận.
Đồng thời các hãng hàng không cũng phải tổ chức bảo dưỡng thường xuyên theo dõi và cập nhật các quy định, hướng dẫn của nhà sản xuất về bảo quản dừng bay, tuân thủ triệt để.
Hồi cuối năm 2020, nhiều tổ chức hàng không cũng cảnh báo về lo ngại mất toàn khi máy bay phải nằm sân quá lâu vì Covid-19. Năm 2020, có thời điểm hai phần bay máy bay trên thế giới phải dừng hoạt động. Các cơ quan quản lý trên thế giới lo ngại về việc mất an toàn có thể do lỗi kỹ thuật máy bay hoặc năng lực phi công giảm khi nghỉ việc dài ngày.
Cơ quan an toàn Hàng không liên minh châu Âu (EASA) đã cảnh báo một "xu hướng báo động" về số lượng báo cáo tốc độ máy bay và độ cao không đáng tin cậy trong chuyến bay đầu tiên sau khi máy bay rời nhà kho. Một số trường hợp, lệnh cất cảnh phải hủy bỏ hoặc máy bay phải trở lại sân bay.
Trong hầu hết trường hợp, vấn đề bắt nguồn từ các tổ côn trùng không được phát hiện trong cảm biến của máy bay. Hồi tháng 6/2020, một máy bay của Wizz Air Holdings phải dừng cất cánh sau khi cơ trưởng phát hiện tốc độ của máy bay được đọc ở số 0. Sau đó, cơ quan điều tra phát hiện ra ấu trùng côn trùng trong đường ống hở một đầu của cảm biến trên chiếc máy bay đã dừng hoạt động 12 tuần này.
Anh Tú