Máy bay thử nghiệm hôm nay đã bay hơn 100 km, từ thủ đô Jakarta đến thành phố Bandung lân cận, bằng loại nhiên liệu mới, trong bối cảnh Indonesia đang nỗ lực thương mại hóa loại xăng sử dụng một phần nhiên liệu sinh học từ dầu cọ.
"Là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, Indonesia tất nhiên cần phải đổi mới cách sử dụng dầu cọ, bao gồm phát triển dầu diesel sinh học, xăng máy bay sinh học", Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto phát biểu tại cuộc họp trực tuyến hôm nay.
Hartarto tuyên bố Indonesia sẽ tiếp tục thực hiện D100, chương trình phát triển dầu diesel được sản xuất hoàn toàn từ dầu cọ do công ty dầu khí nhà nước Pertamina thực hiện.
![Đồn điền trồng cây cọ dầu cạnh một khu rừng bị cháy ở tỉnh Nam Kalimantan, Indonesia năm 2019. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/10/06/dau-co-indonesia-9850-1633506286.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=supttvK5Fpr3ExdA7HO70w)
Đồn điền trồng cây cọ dầu cạnh một khu rừng bị cháy ở tỉnh Nam Kalimantan, Indonesia năm 2019. Ảnh: Reuters.
Indonesia đã thương mại hóa thành công B30, loại diesel phối trộn 30% nhiên liệu sinh học từ dầu cọ. Chính phủ đang muốn mở rộng sử dụng dầu thực vật để sản xuất xăng dầu và cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu.
Nhiên liệu sinh học từ dầu cọ chỉ chiếm 2,4% lượng xăng được sử dụng trong chuyến bay thử nghiệm hôm nay, nhưng trong một quy định năm 2015, Indonesia yêu cầu tăng mức này lên 5% vào năm 2025.
Dầu diesel sinh học hứa hẹn sẽ giảm đáng kể lượng khí thải carbon, nhưng việc phát quang đất để trồng cây cọ dầu đang diễn ra làm dấy lên lo ngại của các nhà bảo vệ môi trường về nạn phá rừng. Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét cấm sử dụng dầu diesel sinh học có nguồn gốc từ dầu cọ.
Bộ Năng lượng Indonesia ước tính thị trường xăng máy bay sinh học sẽ có giá trị lên tới 1,1 nghìn tỷ rupiah (77,25 triệu USD) mỗi năm.
Huyền Lê (Theo Reuters)