Trong ngày đầu khai mạc (17/11), Triển lãm Hàng không Dubai (Dubai Airshow) kín lịch các cuộc họp báo của đại gia sản xuất máy bay thế giới, từ Boeing, Airbus đến Lockheed Martin. Tuy nhiên, chỉ một thương vụ được công bố, đó là Boeing bán 2 chiếc 787-9 Dreamliner cho Biman Bangladesh Airlines.
Đây là con số khiến nhiều người ngạc nhiên, đặc biệt khi so sánh với các năm trước. Tại Dubai Airshow gần nhất năm 2017, Boeing mở màn sự kiện bằng hợp đồng bán 40 chiếc 787-10 trị giá 15,1 tỷ USD cho Emirates Airline. Năm 2013, Dubai Airshow khép lại ngày đầu tiên với số đơn hàng kỷ lục 192 tỷ USD. Còn hôm qua, hai chiếc được mua chỉ có giá niêm yết 585 triệu USD.
Dĩ nhiên, đó mới chỉ là ngày đầu tiên. Dubai Airshow còn kéo dài đến hết ngày 21/11 và có thể còn nhiều đơn hàng lớn nữa xuất hiện.
Dù vậy, sự im ắng trong ngày khai mạc cho thấy các thách thức với ngành hàng không thế giới sẽ còn kéo dài, và có thể còn đang trầm trọng hơn, buộc các hãng bay tính toán lại đội bay và chiến lược tăng trưởng.
Với các hãng hàng không Vùng Vịnh, thời kỳ mua sắm mạnh tay có thể đang biến mất khi giá dầu vẫn chịu sức ép từ nhu cầu yếu và dư cung. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Brexit đã khiến nhà đầu tư e ngại rủi ro, đồng thời kéo tụt tăng trưởng và thương mại toàn cầu.
Còn đối với ngành hàng không, họ ngày càng đối mặt với nhiều quy định khắt khe và phải hoãn giao hàng, đặc biệt sau hai tai nạn chết người liên tiếp với 737 Max. "Nhu cầu máy bay thương mại có thể trồi sụt, nhưng việc bị siết kiểm soát như hiện tại cũng có nghĩa các dòng máy bay sẽ phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra hơn, khiến thời gian giao hàng bị chậm lại", Charles Forrester - nhà phân tích tại IHS Jane’s cho biết, "Bên cạnh đó, lo ngại trên thị trường động cơ máy bay cũng phần nào gây ra sự chậm trễ với các dòng máy bay mới".
Việc 737 Max bị cấm bay từ tháng 3 khiến lợi nhuận hãng này đi xuống, các hãng hàng không phải hủy bỏ hàng nghìn chuyến bay và chi phí tăng cao. Boeing đã mất gần 5 tỷ USD trong quý II để bồi thường các hãng hàng không. Dù vậy, thiệt hại vẫn chưa dừng lại ở đây, do giới chức vẫn chưa gỡ bỏ lệnh cấm này.
"Việc kiểm tra kỹ càng cũng ảnh hưởng đến các hãng sản xuất khác", Forrester cho biết, "Cục Hàng không Dân dụng Mỹ đang phải xem xét lại mọi thứ kỹ lưỡng hơn".
Hà Thu (theo CNBC)