Hầu hết taxi bay đều có cánh quạt gắn bên ngoài để tạo lực đẩy. Tuy nhiên, thiết kế máy bay cất hạ cánh thẳng đứng J-2000 của công ty Mỹ Jetoptera hoàn toàn khác biệt do sử dụng hệ thống đẩy độc đáo mà hãng này tự sản xuất, New Atlas hôm 28/4 đưa tin.
Hệ thống đẩy lỏng (FPS) không có cánh quạt lộ ra bên ngoài. FPS dựa vào động lực học chất lưu để lấy một luồng tương đối nhỏ khí nén rồi dùng nó hút một lượng không khí lớn hơn nhiều ở xung quanh với tốc độ nhanh.
Jetoptera cho biết, FPS tăng hiệu quả đẩy thêm 10% trong khi giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ hơn 50% so với các động cơ turbine phản lực luồng nhỏ. Hệ thống đẩy mới cũng giúp giảm gần 30% trọng lượng so với động cơ turbine phản lực cánh quạt hay hai luồng, đồng thời giảm tính phức tạp.
FPS nhẹ và có thể nghiêng rất dễ dàng, giúp máy bay cất cánh, bay lơ lửng hoặc tiến nhanh về phía trước. Hệ thống này có thể xếp gọn lại để giảm lực cản khi J-2000 đang bay với tốc độ cao. Một lợi ích khác là hệ thống đẩy này chạy rất êm.
J-2000 có trọng lượng cất cánh tối đa là 907 kg. Máy bay này dùng để di chuyển giữa các thành phố và có hai chỗ ngồi. Nó có tốc độ tối đa 322 km/h và phạm vi bay là 322 km. Ngoài J-2000, Jetoptera cũng hé lộ thiết kế của nhiều mẫu khác cùng thuộc dòng này, ví dụ phiên bản bay nhanh với vận tốc 644 km/h và phạm vi 644 km, phiên bản bay đường dài với vận tốc 322 km/h và phạm vi 1.930 km, phiên bản 4 chỗ ngồi mang tên J-4000.
Tuy nhiên, những con số trên có vẻ không mấy ấn tượng vì những máy bay này sử dụng nhiên liệu hóa thạch, không phải điện. Chúng nên có phạm vi bay vượt trội hơn nhiều so với các máy bay chạy bằng pin. Phạm vị bay 322 km đối với máy bay hai chỗ ngồi có vẻ khá ngắn.
J-2000 sẽ không hoạt động trên đường phố trong tương lai gần. Hiện tại, Jetoptera không có dự định chế tạo và xin cấp phép cho J-2000 mà muốn tập trung vào phát triển hệ thống đẩy để cung cấp cho các nhà sản xuất máy bay khác.
Thu Thảo (Theo New Atlas)