Zephyr S cất cánh tại Arizona, Mỹ, hôm 15/6, hiện vẫn chưa hạ cánh. Chuyến bay mới đánh bại kỷ lục cũng do mẫu máy bay này thiết lập vào năm 2018. Chuyến bay năm 2018 kéo dài 25 ngày 23 tiếng 57 phút, được tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận.
Zephyr S bay ở độ cao lớn trong khí quyển để tránh giao thông hàng không thương mại và thời tiết bất lợi. Máy bay sử dụng pin để bay được trong đêm và không cần dừng lại để tiếp nhiên liệu. Dữ liệu chuyến bay cho thấy nó đã di chuyển từ khu vực thử nghiệm ở Mỹ đến Belize, sau đó quay trở lại.
Những chuyến bay thử nghiệm mới nhất nhằm kiểm tra khả năng tích trữ năng lượng, tuổi thọ pin, hiệu quả năng lượng mặt trời và khả năng giữ ổn định của máy bay không người lái, theo phát ngôn viên của văn phòng Định vị, Điều hướng và Thời gian/Không gian Đảm bảo thuộc Quân đội Mỹ.
Tim Robinson, tổng biên tập tạp chí Aerospace, cho rằng chuyến bay đánh dấu một cột mốc quan trọng cho khả năng di chuyển của máy bay, mở ra tiềm năng ứng dụng thực tế trong nhiều lĩnh vực như quân sự hay cứu trợ thảm họa.
Zephyr S có thể cung cấp hình ảnh giống như một vệ tinh nhưng không buộc phải quay quanh Trái Đất. Nó có thể hoạt động ở một vị trí và cung cấp thông tin cập nhật liên tục. Một hạn chế khác của vệ tinh là thường không thể trở lại Trái Đất sau khi phóng. Trong khi đó, Zephyr S có thể quay về. "Bạn có thể nâng cấp các cảm biến trên máy bay, thay đổi hàng hóa hay bổ sung công nghệ mới", Robinson nói.
Máy bay vừa lập kỷ lục là mẫu máy bay năng lượng mặt trời Zephyr mới nhất, ban đầu được thiết kế và chế tạo ở Anh bởi nhà phát minh Chris Kelleher. Ông đã qua đời năm 2015. Ba năm sau, Airbus mở cơ sở sản xuất hàng loạt đầu tiên cho loại máy bay này ở Farnborough và đặt tên theo Kelleher để vinh danh ông.
Thu Thảo (Theo BBC)