Hideki Tokoro, chủ tịch công ty Kyodo Senpaku, ngày 24/1 đội mũ hình cá voi, chào đón khách hàng trong ngày ra mắt hệ thống bán hàng tự động ở Motomachi, khu mua sắm cao cấp tại thành phố Yokohama, nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang và tiệm bánh thủ công.
Công ty vừa mở hai cửa hàng tương tự ở Tokyo và đang lên kế hoạch mở cửa hàng thứ 4 tại Osaka vào tháng tới, đồng thời hy vọng sẽ phát triển hệ thống tại 100 địa điểm trong vòng 5 năm tới.
"Có nhiều siêu thị lớn e ngại các nhóm phản đối săn bắt cá voi quấy rầy nên không muốn bán thịt cá voi. Do đó, có nhiều người muốn ăn thịt cá voi nhưng không mua được", ông Tokoro nói. "Do đó, chúng tôi mở hệ thống này với mong muốn cung cấp nơi bán cho người muốn ăn".
Máy bán hàng tự động cung cấp thịt cá voi theo dạng sashimi, thịt tảng và thịt xông khói. Phát ngôn viên công ty cho hay sản phẩm được bán chủ yếu là cá voi săn bắt tại Nhật Bản, giá từ 1.000 yen (8 USD) tới 3.000 yen (23 USD).
Chính phủ Nhật Bản luôn duy trì quan điểm ăn thịt cá voi là một phần đặc trưng của văn hóa Nhật Bản, nhưng mức tiêu thụ thịt cá voi đạt đỉnh vào đầu những năm 1960 đã giảm dần khi xuất hiện các nguồn cung cấp đạm khác phong phú hơn, giá cả phải chăng hơn.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy mức tiêu thụ thịt cá voi ở Nhật Bản năm 2021 là 1.000 tấn, thấp hơn nhiều so với 2,6 triệu tấn thịt gà và 1,27 triệu tấn thịt bò. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1962, mức tiêu thụ thịt cá voi là 233.000 tấn.
Các nhà bảo tồn cho rằng động thái quảng bá thịt cá voi là nỗ lực tuyệt vọng nhằm hồi sinh sự quan tâm đến một ngành kinh doanh đang gặp khó khăn.
"Đa số người Nhật Bản chưa từng thử ăn thịt cá voi. Vì vậy, làm thế nào mà thịt cá voi có thể trở thành văn hóa quốc gia nếu không ai ăn?" Katrin Mathes, người đứng đầu bộ phận chính sách Nhật Bản của tổ chức từ thiện toàn cầu Bảo tồn Cá voi và Cá heo (WDC), nói.
Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC), cơ quan toàn cầu về giám sát và bảo tồn cá voi, đã cấm đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại năm 1986 sau khi một số loài đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn tiếp tục săn bắt cá voi vì mục đích nghiên cứu. Quốc gia này đã rời IWC và nối lại đánh bắt cá voi thương mại từ năm 2019.
Một số người qua đường gần hệ thống mới ra mắt cho hay sẵn sàng ăn thịt cá voi nếu tiện.
"Đây vốn không phải là món tôi sẽ dành thời gian để tìm kiếm. Tôi thường ăn thịt gà", Urara Inamoto, 28 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng, nói.
Những người ủng hộ thịt cá voi cho rằng loại thịt này có hàm lượng đạm cao hơn, tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn so với những loại thịt khác.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)