Olympus E1. |
Thiết kế của E1 đặc biệt với ống kính nằm sát về phía phải khiến cho tay cầm rộng hơn, dày hơn ở phía trái. Với thiết kế này, E1 không kém phần chuyên nghiệp so với những máy ảnh tốt nhất của Canon hay Nikon. Thân máy chắc chắn, được làm từ hợp kim magiê với độ bền đáng tin cậy. Các khớp nối giữa các bộ phận của máy đều được bọc da nên máy có thể chịu được điều kiện thời tiết khác nhau. Ngoài ra, máy còn có thể sử dụng được khi trời mưa nhẹ hay bụi bẩn nhưng ngay sau đó đòi hỏi phải được lau sạch tức thì. Thân máy được bọc ngoài bằng một lớp da mềm từ phía trước qua tay cầm ra phía sau của máy giúp bảo vệ máy khỏi những va chạm nhẹ và dễ cầm hơn.
Olympus E1 nhìn từ phía sau. |
E1 sử dụng chip CCD 4/3 của Kodak với kích thước 18x13,5 mm, độ phân giải 5 triệu điểm ảnh. So với các loại máy ảnh chuyên nghiệp của Canon, chip của E1 nhỏ hơn một chút. Giống như E300, chip CCD được làm sạch bằng phương pháp lọc sóng siêu âm. Phương pháp này hoạt động bằng cách kích thích cho CCD rung liên tục với tốc độ cao khiến bụi bẩn rơi xuống một chất liệu mềm được thiết kế để hút bụi bẩn. Việc làm sạch này diễn ra khi khởi động máy hoặc có thể được chọn từ menu.
Olympus E1nhìn từ 4 phía. |
Màn hình LCD có kích cỡ vừa phải 1,8 inch độ phân giải 134.000 điểm ảnh nằm cố định ở sau máy và được bao ngoài một lớp chống phản quang giúp máy ảnh hoạt động tốt ở điều kiện ánh sáng ngoài trời.
Trên đỉnh của máy là màn hình trạng thái hơi nghiêng về phía người chụp, đồng thời màn hình cũng được bọc một lớp chống phản quang khiến cho người chụp dễ dàng theo dõi hơn so với các máy khác. Màn hình hiển thị những thông tin về ống kính, tốc độ chụp, đèn flash, tình trạng pin, dung lượng thẻ nhớ, ISO...
Thông số Olympus E1 |
Độ phân giải: 5 triệu điểm ảnh. Bộ cảm biến ánh sáng: CCD (RGB), 18x13,5 mm. ISO 7 cấp độ: Auto, 100, 200, 400, 800, 1600*, 3200*. Ống kính: Dùng được với loại ống kính đơn của Olympus. Tốc độ chụp: Nhanh nhất 1/4.000 giây, thấp nhất 30 giây. Chụp liên tiếp 3/giây, tối đa 12 hình. Thẻ nhớ: Compact Flash (Type I or II) card. LCD: 1,8 inch, độ phân giải 130.000 điểm. Pin sạc: EN-EL3, BP-511, NP-400. Trọng lượng: 735 g. Giá 1.200 USD. |
Ô ngắm của E1 có lăng kính 5 mặt cho ra hình ảnh nhờ vào một gương nhỏ giữa ống kính và màn chập giống như ở các loại ống kính chuyên nghiệp SLR. Thông qua ô ngắm, bạn có thể thấy vị trí các điểm nét. Có 3 vùng điểm nét như bạn có thể thấy ở E300, trong đó vùng nét trung tâm nhạy cảm theo chiều nằm ngang và thẳng đứng, 2 vùng nét hai bên nhạy cảm theo chiều nằm ngang. Dưới 3 vùng nét là trạng thái của màn hình với các thông tin về tốc độ chụp, độ mở của ống kính, số kiểu ảnh còn lại và ISO.
Tốc độ chụp cao nhất 1/4000 giây, liên tiếp là 3 hình/giây tối đa 12 hình, và đặc biệt một đoạn băng MP3 ghi lại tiếng ồn khi chụp liên tiếp của E1 và Canon EOS 10D cho thấy độ ồn do E1 gây ra nhỏ hơn đáng kể. Đó là nhờ vào mảnh gương nhỏ hơn trong ô ngắm và khả năng xử lý tiếng ồn của E1 tốt hơn.
E1 dùng pin EN-EL3 (1400 mAh) giống Nikon, hay BP-511 (1100 mAh) giống Canon hoặc cũng có thể sử dụng pin của Minolta NP-400 (1500 mAh), tuy nhiên công suất pin của Olympus và Minolta là lớn nhất - 11,1 Wh. Pin được sạc bằng bộ sạc BCM-1 trong vòng 75 phút.
Ngoài bộ pin thông thường nằm trong tay cầm, E1 còn cho bạn sự lựa chọn khác đó là sử dụng bộ pin HLD-2 lắp vào vị trí phía dưới của máy tạo thành tay cầm nằm ngang cho tay trái của người chụp. HLD-2 cung cấp cho máy pin Lithium-Ion PS-BLL2 (3400 mAh) với công suất lớn hơn pin thông thường rất nhiều 24,5 Wh. Thêm vào đó, sử dụng pin này khiến máy chắc chắn hơn giúp giảm đáng kể độ rung và độ ồn khi chụp. HDL-2 được bán với giá 549 USD.
So với Canon EOS-10D hay Nikon D100, ống kính của E1 có thể không bằng. Olympus giới thiệu 5 loại ống kính có thể dùng được với E1, 3 loại đèn và một số phụ kiện khác giúp cho E1 trở nên hoàn hảo hơn.
Ống kính và phụ kiện khác của Olympus E1. |
Bốn loại ống kính có thể kể đến là: ống kính 11 - 22 mm (thực tế là 22 - 44 mm vì E1 tiêu cự nhân 2) F2.8 - F3.5 giới thiệu vào cuối năm 2003. Đáng chú ý nhất là loại 14 - 54 mm (28 - 108 mm), 50 - 200 mm (100 - 400 mm). Cuối cùng là ống kính loại lớn thích hợp cho chụp ảnh thể thao 300 mm (600 mm).
E1 là máy ảnh kỹ thuật số ống kính đơn đầu tiên Olympus nhắm vào thị trường máy ảnh số chuyên nghiệp. Tuy nhiên, E1 có tốc độ chụp liên tiếp, tốc độ lấy nét không cao có lẽ không thích hợp với chụp ảnh thể thao. Hơn nữa E1 có độ phân giải chip thấp, không đáp ứng được sự mong đợi của những tay ảnh chuyên nghiệp. Nhưng nhìn về tổng thể, E1 có thiết kế hoàn hảo, chắc chắn, độ bền cao với nhiều tính năng đặc biệt cho ra những bức ảnh đẹp. Một điều chắc chắn là kể cả những máy ảnh hoàn hảo nhất thì cũng có những nhược điểm, do đó E1 vẫn là sự lựa chọn của nhiều người.
Giá của E1 tại thị trường Nhật Bản khoảng 1.200 USD.
Lan Anh (theo Dpreview)