Samsung từng làm rất tốt với chiếc camera hai màn hình trước đây của mình là ST550. Năm nay, hãng tiếp tục ra mắt hai model mới sở hữu tính năng tương tự là PL150 và PL100. Trong đó, PL150 cao cấp hơn với khả năng quay video chuẩn HD 720p.
Dễ dàng nhận thấy, PL series ra mắt sau này là nước đi "bình dân hóa" dòng máy ảnh hai màn hình của Samsung với lược bỏ màn hình cảm ứng, kích thước và độ phân giải màn hình kém hơn trước.
Kiểu dáng PL150 không khác nhiều so với người tiền nhiệm, ST550. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Về cơ bản, hình dáng của PL150 khá giống so với "đàn anh" của mình ngoại trừ điểm khác biệt như PL150 có vòng zoom tích hợp vào nút chụp thay vì nút zoom riêng lẻ như ST550. Model PL150 cũng được bố trí thêm một phím bấm để bật màn hình trước ngay cạnh phím nguồn thuận lợi cho người sử dụng.
PL150 có màn hình LCD thường và chỉ rộng 3 inch so với 3,5 inch của ST550, độ phân giải cũng kém hơn model này với chỉ 230.000 điểm ảnh thay vì 1.152.000 điểm ảnh. "Lép vế" về thông số kỹ thuật nên dễ hiểu màn hình PL150 hoạt động khá tồi dưới ánh sáng mặt trời, hình ảnh hiển thị không rõ ràng và đặc biệt là đôi khi màu sắc không trung thực. Trong khi đó, màn hình phía trước của máy với kích thước 1,5 inch vẫn tồn tại nhược điểm là luôn hiển thị hơi tối, khó nhìn như ST550 trước đây.
Màn hình hiển thị không tốt dưới ánh sáng mặt trời. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Mặc dù vậy, PL150 vẫn có những ưu điểm nổi trội của riêng mình như màn hình trước có khả năng hiển thị thời gian đếm ngược khi chụp ở chế độ hẹn giờ, hiển thị hình ảnh hoặc phát đoạn nhạc vui nhộn để thu hút sự chú ý của trẻ khi chụp ở chế độ "Children mode". Màn hình phía trước của model này cũng có thể hoạt động cả ở chế độ quay phim, điều mà người tiền nhiệm ST550 không thể làm được.
Giống như các máy ảnh Samsung khác, PL150 sử dụng thẻ nhớ microSD để lưu trữ ảnh giống như các dòng điện thoại di động hiện nay nên rất phổ biến. Bộ nhớ trong của máy có dung lượng khoảng gần 30 MB.
Samsung PL150 sở hữu cảm biến ảnh 12,4 Megapixel với ống kính zoom quang 5x, góc rộng 27mm với độ mở f3.5-5.9. Với góc rộng này, người dùng có thể tự chụp một bức ảnh với đầy đủ khuôn mặt của 4 người trong khung hình.
Ảnh chụp ở ISO 80 và khung nhỏ với crop ở tỷ lệ 100%. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Chất lượng ảnh của Samsung PL150 phải nói là khá tốt, nếu so với tầm tiền và cảm biến ảnh phải "nhồi nhét" quá nhiều Megapixel của nó. Một điều thú vị khác là có chất lượng ảnh gần tương đương so với ST550 nhưng hai model này lại sử dụng các loại ống kính khác nhau tuy cùng một hãng sản xuất. Trong khi ST550 sử dụng ống kính Schneider-Kreuznach thì ở PL150, Samsung đã tích hợp vào hệ thống quang học của riêng mình.
Những hình ảnh chụp được từ PL150 có thiên hướng hơi ngả nhiều về màu xanh, hình ảnh khi phóng đại 100% ngay cả ở mức ISO 80 cũng có cảm giác hơi nhòe ở viền chi tiết. Đây cũng là nhược điểm mà hầu hết các máy ảnh du lịch giá rẻ hiện nay đều gặp phải.
Hình ảnh chụp từ PL150 ở các mức ISO khác nhau với độ phóng đại 100%. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Tuy nhiên, chất lượng ảnh chụp từ máy có thể coi là ổn định ở mức ISO từ 80 tới 200, khi sang mức ISO 400 nhiễu ảnh bắt đầu xuất hiện, ở mức ISO 800 bắt đầu nhìn rõ hơn một chút, nhiễu xuất hiện rõ ràng ở mức ISO 1600 và ở mức ISO 3200 thì ảnh hầu như bị vỡ và chi tiết không còn nhìn rõ. Ở một số vùng, màu sắc của ảnh thậm chí còn bị sai lệch khá nhiều ở mức ISO từ 1600 trở lên.
Chất lượng quay video của PL150 chỉ ở mức trung bình. Model này thể hiện nhược điểm ở những cảnh quay ngược sáng hoặc thừa sáng khi cho các hình ảnh bị chói trong khi âm thanh thu được cũng thường lẫn nhiều tạp âm. PL150 có thể sử dụng zoom quang trong khi quay video nhưng đồng thời nó cũng làm microphone không thể ghi âm thanh trong khi ống kính thực hiện việc zoom.
Hệ thống menu của máy khá rắc rối. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Samsung PL150 khá phong phú về chế độ chụp như tự động, tự động thông minh, chụp phong cảnh, bán tự động, gấp đôi độ ổn định hình ảnh hay chế độ chụp ban đêm. Tuy vậy, với hệ thống menu khá rắc rối và việc phải dùng các phím điều hướng cứng ở bên nên gây nhiều khó khăn cho người sử dụng khi điều chỉnh. Chẳng hạn ở chế độ chụp bán tự động, muốn mở menu để chỉnh lại độ nhạy sáng (ISO), người sử dụng cần tới hơn 4 bước mới có thể chọn mức ISO phù hợp. Đây rõ ràng là một nhược điểm đáng kể, đặc biệt khi so sánh với giao diện màn hình cảm ứng dễ sử dụng trước đây của ST550.
PL150 hoạt động có vẻ "chậm chạp" với việc phải mất tới gần 3 giây để chụp được bức ảnh đầu tiên từ trạng thái máy tắt. Khi thực hiện việc lấy nét hay zoom xa, ống kính cũng tạo ra tiếng ồn rất đễ nhận biết.
Samsung PL150 phù hợp với giới trẻ năng động, đặc biệt là nhờ giá thành dễ chịu hơn khá nhiều so với model trước của nó là ST550 trong khi vẫn cho hình ảnh ở mức khá cùng tính năng hai màn hình độc đáo.
|
Tuấn Hưng