Maurizio Sarri không bao giờ quên gốc gác của mình. Ông sinh ra ở một khu lao động tại Naples tên gọi Bagnoli, cùng tên với người HLV huyền thoại đã mang Hellas Verona đến một trong những chức vô địch Scudetto lãng mạn nhất lịch sử (1984-1985).
Bố của ông, Amerigo, là tái xế lái xe tải cần trục, luôn phải làm trong môi trường khói bụi, ô nhiễm. Từ trên cao, ông Amerigo thường nhìn thấy thành phố Naples qua một làn khói xám. "Làm HLV là một công việc vất vả ư? Tôi không nghĩ vậy," Sarri nói. "Vất vả là thức dậy từ 6h và đi làm đến tối mịt mới về kìa".
Gia đình họ chuyển đến Figline Valdarno, miền nam Florence, khi Sarro lên 5 tuổi. Cậu bé Sarri khi ấy là CĐV duy nhất của Napoli trong vùng. Thần tượng đầu tiên của cậu là Antonio Juliano, một cầu thủ dẫn dắt lối chơi người Naples. Sarri phát biểu trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Il Mattino: "Đấy không chỉ là một sự hâm mộ nhất thời của trẻ con. Vì khi đã 17, tôi vẫn đến xem Napoli đá với Fiorentina tại Artemio Franchi ở phía khán đài của đội khách".
15h chiều nay (giờ địa phương), chàng trai ngày ấy sẽ đi trọn một vòng quay. Bởi ông sẽ góp mặt trong trận đấu giữa Napoli và Fiorentina trên vai trò HLV của Napoli, một cuộc thư hùng còn được chờ đợi hơn cả trận derby Italia giữa Inter và Juventus. Nói như vậy là bởi Napoli và Fiorentina không chỉ đang chơi thứ bóng đá đẹp nhất Italy lúc này mà còn thực sự vươn lên trở thành những ứng viên vô địch sau giai đoạn khởi đầu.
Đối thủ của Sarri ở bên kia chiến tuyến là Paulo Sousa, người đang cùng ông thổi vào Serie A một luồng gió mới. Nhưng cả hai lại mang những phong thái khác biệt. Sousa có một sự nghiệp lẫy lừng, từng giành Champions League hai mùa liên tiếp trong hai màu áo khác nhau (Juventus 1996, Dortmund 1997), là người chuộng lối chơi kiểm soát bóng theo kiểu Barcelona.
Ngược lại, Sarri có một sự nghiệp cầu thủ rất tầm thường. Ông từng xin thử việc tại Fiorentina nhưng bị từ chối, rốt cục đành phải chơi cho một CLB địa phương Figline, thi đấu dưới sự huấn luyện của Kurt Hamrin. Là CĐV của Fiorentina, bạn phải biết cái tên này. Hamrin là chân sút vĩ đại thứ nhì trong lịch sử La Viola qua mọi thời đại, chỉ sau Gabriel Batistuta.
Đá bóng hạng thấp, tất nhiên là không đủ sống. Sarri giã từ nghiệp quần đùi áo số để xin vào làm tại Monte dei Paschi di Siena, ngân hàng có tuổi đời lớn nhất thế giới hiện nay. Ông gắn bó với công việc tài chính này suốt mấy chục năm trời. Để đỡ nhớ bóng đá, ông làm HLV nghiệp dư cho các đội bóng vùng Tuscany. Ngay sau khi dứt việc ở ngân hàng, ông thay bộ đồ tây, mặc vào bộ đồ tập và cùng đội bóng của mình chuẩn bị cho trận đấu cuối tuần. Từ Stia, Faellese cho đến Cavriglia, Sarri vẫn làm song song hai việc. Khi Paolo Sousa nâng cao chức vô địch Champions League tại Rome năm 1996 và tại Munich năm 1997 thì ở Italy, Sarri đang giúp CLB nghiệp dư Antella giành quyền lên chơi ở giải hạng Năm và trụ lại đấy.
Cuộc sống của Sarri có lẽ sẽ trôi theo nhịp điều đều đặn ấy, ban ngày làm nhân viên hàng, ban đêm làm HLV bóng đá, cho đến hết đời. Nhưng sâu thẳm trong ông, ước mơ sống trọn vẹn với bóng đá chưa bao giờ dừng lại. Bởi ông không muốn đến cuối đời phải hối hận như bố mình. Ông Amergio từng là một VĐV đua xe đạp rất hứa hẹn. Ông thắng đến 37 cuộc đua nghiệp dư và từng được Gastone Nencini (áo vàng Tour de France 1960) mời về đội bằng mọi giá. Nhưng ông Amergio từ chối và đấy là quyết định khiến ông hối hận đến hết đời.
Sarri hiểu nỗi day dứt của bố và ông không bao giờ muốn mình lập lại vết xe đổ ấy. Cuộc sống rất ngắn ngủi cho những ước mơ và khi thế giới đón chào cuộc chuyển giao thế kỷ, ông chính thức nghỉ việc tại ngân hàng và dấn thân vào công việc mà ông gọi là "sẵn sàng làm việc không lương". Năm ngoái, tức 14 năm sau quyết định đổi đời, Sarri lần đầu tiên góp mặt tại Serie A, ở tuổi 55.
Đấy là khi ông giúp Empoli thăng hạng và trụ hạng ở Serie A thành công bất chấp việc CLB của mình có ngân sách nhỏ nhất, quỹ lương mỏng nhất, ít kinh nghiệm nhất và... nhẹ cân nhất (theo đúng nghĩa đen). Xem Empoli của Sarri thi đấu như nghe một dàn giao hưởng bởi họ chơi với sự ăn ý và hài hòa tuyệt vời. Tất cả cùng phòng ngự, tất cả cùng tấn công. Đấy thật sự là thành quả của một tài nghệ cầm quân đặc biệt.
Ở Italy, người ta gọi Sarri là kẻ lữ hành kì dị. Bởi ông mang một phong thái khác lạ. Rất ít khi mặc vest, gương mặt nghiêm nghị và cực kỳ dị ứng với truyền thông. Ông bảo nếu tiếp xúc với báo chí và truyền hình, kiểu gì cũng sẽ phải trả lời câu hỏi có mua người này hay người nọ không. "Cứ như thể là họ đang làm chương trình về mua sắm cho mấy bà nội trợ vậy," Sarri nói. Vì sự kín tiếng này, Sarri từng bị gọi là "một HLV Taliban".
Cũng như Zdenek Zeman, Sarri là một tay nghiện thuốc nặng. Vì sân cỏ Italy cấm thuốc, người ta thấy ông thỉnh thoảng hay lui về phía khán đài, nơi ấy các CĐV sẽ tuồn cho ông điếu thuốc để "kéo một hơi cho đỡ ghiền". Nhưng khác với Zeman, đội bóng của Sarri không chơi tấn công kiểu cảm tử. Đấy là một sự kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và phản công.
Thành quả tại Empoli buộc mọi người chú ý nhiều hơn đến Sarri. Milan từng đưa ông vào tầm ngắm vì nhìn thấy ở ông những nét tương đồng với Arrigo Sacchi huyền thoại. Fiorentina và Sampdoria cũng thế. Trong khi đó, Napoli lại ưu tiên chiêu mộ Sinisa Mihajlovic và Unai Emery. Để rồi như sự an bài của số phận, Napoli rốt cục lại tìm về với "chàng trai năm ấy", với người HLV vốn là CĐV ruột của họ từ ngày còn bé xíu.
Ba trận đầu tiên dưới thời Sarri, Napoli không biết thắng là gì, khởi đầu tệ hại nhất của CLB này từ năm 2000. "Đá kiểu này, tôi e Napoli chẳng thể kết thúc mùa giải ở giữa bảng điểm," huyền thoại Diego Maradona chê bai. Để rồi từ sau khi Maradona mở miệng, Napoli thắng năm trong sáu trận tiếp theo, trong đó có ba bại tướng là Lazio, Juve và Milan, với tổng tỷ số 18-1.
Đầu mùa, nhiều người có ý chê Sarri chỉ giỏi dàn xếp những tình huống cố định. Ông chứng minh điều ngược lại khi 15 trong số 16 bàn Napoli ghi lúc này đều đến từ những tình huống bóng "sống". Ông trả lại nụ cười trên môi Gonzalo Higuain, ông giúp Lorenzo Insigne chơi tốt đến mức người ta kêu gọi hãy trao cho anh ta chiếc áo số 10 của Maradona trong phòng lưu giữ.
Không chỉ họ, các cầu thủ của Napoli đồng loạt tiến bộ. Hàng thủ vốn là gót Achille của Napoli dưới thời Rafa Benitez (lọt lưới đến 54 bàn mùa trước) nay đã giữ sạch lưới năm trong sáu trận gần nhất. Chủ tịch Napoli Aurelio De Laurentiis thậm chí đã nói đến chuyện vô địch.
Cuộc sống quả là kỳ lạ. Rafa Benitez bỏ Napoli để về quê hương cầm quân cho đội bóng mà ông hâm mộ từ bé là Real Madrid. Và định mệnh đền lại cho Napoli một "chàng trai năm ấy" của riêng mình là Sarri. Sau một phần tư thế kỷ chờ đợi, rất có thể Napoli đã tìm thấy người có thể mang họ trở lại đỉnh cao.
Hoài Thương