Những thứ độc nhất vô nhị thường do con người tạo ra chứ không phải một mẫu khoáng chất tự nhiên của Trái Đất. Con người sống trên một hành tinh rộng lớn, nên nếu các quá trình địa chất tạo ra một loại khoáng chất ở địa điểm này, thì rất có thể chúng cũng tạo ra thứ giống như vậy ở địa điểm khác. Trong số 6.000 khoáng chất được Hiệp hội Khoáng chất Quốc tế công nhận, nhiều loại hình thành từ nhiều quá trình hóa học khác nhau nhưng dẫn đến kết quả như nhau.
Kể cả khi khoáng chất chỉ hình thành một lần, mẫu vật có thể dễ dàng bị vỡ và phân tán trên diện tích rộng. Do đó, với chỉ một mẫu vật duy nhất từng ghi nhận, tinh thể kyawthuite rất đáng chú ý.
Những người săn đá sapphire tìm thấy mẫu vật kyawthuite dưới lòng suối gần Mogok, Myanmar. Nó tồn tại dưới dạng một viên đá quý và được Hiệp hội Khoáng chất Quốc tế công nhận vào năm 2015. Mô tả khoa học của kyawthuite được xuất bản vào năm 2017. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Los Angeles hiện là nơi lưu giữ mẫu vật duy nhất này.
Kyawthuite có màu đỏ cam trong suốt và mẫu vật nặng 1,61 carat (0,3 gram). Công thức hóa học là Bi3+Sb5+O4, với một chút nguyên tố tantalum. Cả bismuth (Bi) lẫn antimony (Sb) đều là kim loại hiếm, nhưng không quá khác thường. Lượng bismuth trong vỏ Trái Đất lớn hơn vàng, trong khi antimony cũng nhiều hơn bạc. Oxy là nguyên tố dồi dào nhất của vỏ Trái Đất. Do đó, sự quý hiếm của kyawthuite liên quan đến quá trình hình thành, không phải do thiếu hụt các thành phần cấu tạo.
Bismuth là nguyên tố nặng đến mức khối lượng riêng của kyawthuite cao gấp 8 lần nước và gấp đôi khối lượng riêng của hồng ngọc - loại đá quý hơi giống kyawthuite. Vì vậy, mẫu vật kyawthuite thực tế còn nhỏ hơn so với những gì mọi người hình dung từ cân nặng của nó.
Kho dữ liệu về khoáng chất của Viện Công nghệ California (Caltech) mô tả, cấu trúc kyawthuite gồm các tấm kẻ ô Sb5+O6 bát diện đặt song song với những nguyên tử Bi3+. Đây hiện là oxit bismuth-antimony duy nhất được công nhận. Khoáng chất này được đặt tên theo tiến sĩ Kyaw Thu, từng là nhà địa chất tại Đại học Yangon, Myanmar.
Thu Thảo (Theo IFL Science)