Giữa tháng 7, thành phố Shoreline, bang Washington, Mỹ thông báo sẽ lắp đặt loại phòng vệ sinh công cộng có tính năng "chống tệ nạn" tại công viên để đối phó với tình trạng hút chích, giao dịch mại dâm, chiếm dụng không gian công cộng.
Phòng vệ sinh có tên gọi Portland (theo tên thành phố khai sinh ra nó) có tường ngoài và cửa ra vào được thiết kế bằng thép inox cứng để chống đập phá và dễ dàng thay thế. Các bề mặt này cũng được phủ lớp chất liệu đặc biệt không cho sơn vẽ graffiti bám vào.
Phần trên và dưới của phòng vệ sinh có khe hở, giúp cảnh sát có thể nhìn thấy số chân của người bên trong để chắc chắn không có hoạt động mại dâm. Nhà thiết kế cũng đảm bảo người ngoài chỉ quan sát được phần chân của người dùng để đảm bảo riêng tư. Thiết kế "mở" như trên cũng khiến người ở trong nghe rõ âm thanh bên ngoài, nhằm nhắc nhở rằng họ đang ở nơi công cộng.
Với diện tích rộng gần gấp đôi nhà vệ sinh thông thường (1,8 x 3,2 m), người dùng có thể thoải mái mang theo chó dẫn đường, xe lăn, xe đạp, hoặc xe đẩy trẻ em. Tuy nhiên, bên trong không có bồn rửa để hạn chế bị người vô gia cư tận dụng làm nơi giặt giũ, cũng không lắp gương để tránh bị đập phá. Vòi nước rửa tay được lắp ở bên ngoài và chỉ chảy nước lạnh.
Cuối cùng, nhà vệ sinh kiểu Portland được chiếu sáng bằng đèn LED chạy pin mặt trời, có ánh sáng màu xanh dương nhằm gây khó dễ cho con nghiện khi muốn tìm ven để tiêm chích.
Với thiết kế như trên, nhà vệ sinh Portland được cho là sẽ khiến người dùng không muốn nấn ná lâu hơn cần thiết, không như nhà vệ sinh công cộng trước đây đã phạm sai lầm khi chú trọng vào sự riêng tư và thoải mái. Theo nhà sản xuất, tuổi thọ của một đơn nguyên nhà vệ sinh Portland có thể lên tới một trăm năm nếu được bảo trì hợp lý.
Ở Mỹ, nhiều nhà vệ sinh công cộng từ lâu đã bị chiếm dụng là nơi ngủ, là tụ điểm của các tệ nạn xã hội... Trước tình trạng này, năm 2006, thành phố Portland (bang Oregon) đã đặt hàng thiết kế loại nhà vệ sinh công cộng đặc biệt nói trên.
Mẫu nhà vệ sinh Portland đầu tiên có giá 140.000 USD mỗi chiếc. Nhưng giá thành những căn tiếp theo đã giảm xuống còn khoảng 90.000 USD, phí bảo trì hàng năm thường là 12.000 USD.
Dù được thiết kế với tiêu chí "thù địch với người dùng", nhà vệ sinh Portland có vẻ rất được người dân đón nhận và đã dần xuất hiện tại 20 thành phố tại Mỹ như Seattle, Cambridge, Galveston, Hoboken...
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng gặp thành công với mẫu nhà vệ sinh Portland. Thành phố San Diego, bang California đã phải tháo dỡ một nhà vệ sinh Portland sau 13 tháng đưa vào hoạt động vì chi phí bảo trì phát sinh quá lớn. Dù vậy, chính quyền thành phố cho biết vấn đề không nằm ở mẫu nhà vệ sinh này mà do địa điểm lắp đặt khiến việc kết nối đường ống cống nước gặp nhiều khó khăn. Thành phố này vẫn lắp đặt một nhà vệ sinh Portland.
Quốc Đạt (Theo City Lab, San Diego Tribune, Kiro 7)