Sáng nay (27/4), phiên họp thường niên năm 2021 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiếp tục bất thành. Dù đợi thêm 30 phút, tỷ lệ tham dự chỉ hơn 41,6%, thấp hơn mức yêu cầu 65%.
Diễn biến này trái ngược với phiên họp hôm qua (26/4). Phiên họp thường niên năm 2020 lần thứ ba của Eximbank không yêu cầu về tỷ lệ cổ phần tham gia, nhưng đã có sự xuất hiện của cổ đông đại diện hơn 94% vốn của ngân hàng - tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Dù vậy, đại hội vẫn bất thành do 54% số cổ đông có mặt phủ quyết quy chế tổ chức.
Nếu nhìn từ tỷ lệ tham gia và phủ quyết, nguyên nhân hai phiên họp bất thành này có thể đến từ cùng nhóm cổ đông đại diện 51% vốn của Eximbank. Nhóm này tham gia phiên họp 26/4 nhưng phủ quyết quy chế tổ chức và đến phiên họp hôm nay còn không xuất hiện.
Cẳng thẳng tại Eximbank hai năm gần đây, đặc biệt là hai phiên họp thường niên vừa tổ chức được cho là do những bất đồng giữa nhóm cổ đông lớn với Hội đồng quản trị hiện tại.
Ngay trước phiên họp, hai nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn của Eximbank đã gửi đề xuất bổ sung vào chương trình việc miễn nhiệm gần hết Hội đồng quản trị hiện tại. Đề nghị "thanh lọc" Hội đồng quản trị này không phải lần đầu được nêu ra.
Trong đó, nhóm cổ đông sở hữu 10,3% vốn Eximbank đề nghị cổ đông miễn nhiệm 5 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020, gồm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng. Nhóm cổ đông khác sở hữu 11,2% vốn đề nghị miễn nhiệm ba thành viên là ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai, bà Lương Thị Cẩm Tú.
Như vậy, hai nhóm cổ đông lớn đề nghị miễn nhiệm tới 8/9 thành viên Hội đồng quản trị hiện tại của Eximbank, người còn lại là ông Nguyễn Quang Thông.
Trong trường hợp phiên họp thường niên được tổ chức, các cổ đông sẽ xem xét về nhân sự Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2021-2025. Số lượng thành viên dự kiến là 11, trong đó có 2 thành viên độc lập.
Danh sách đề cử được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt gồm Lê Hồng Anh, Đào Phong Trúc Đại, Nguyễn Hiếu và Yasuo Takeuchi. Những nhân sự này là những gương mặt mới, không thuộc Hội đồng quản trị nhiệm kỳ cũ.
Theo lý lịch trích ngang mới được Eximbank công bố, bà Lê Hồng Anh sinh năm 1975, là nhân sự cấp cao của Thành Công Group. Bà Hồng Anh từng giữ nhiều vị trí tại tập đoàn này và hiện là Chủ tịch Công ty TNHH TCG Land. Ngoài ra, bà là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Thành Công Group.
Một nhân sự khác đến từ Thành Công Group là ông Đào Phong Trúc Đại sinh năm 1975. Ông Đại từng là giám đốc tài chính Công ty Kỹ thuật dịch vụ Thành Công, Tổng giám đốc Công ty Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng, Công ty TNHH Phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam.
Trong hai nhân sự còn lại, ông Nguyễn Hiếu hiện là Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Ông Yasuo Takeuchi là nhân sự do cổ đông Nhật Bản SMBC đề cử.
Sự xuất hiện của nhân sự Thành Công Group cũng trùng với nhiều đồn đoán trên thị trường trước đó về việc rằng "đại gia" sản xuất ôtô này đã sở hữu lượng lớn cổ phần tại Eximbank.
Chưa rõ hồi kết cho những mâu thuẫn tại Eximbank khi nào thì ngã ngũ nhưng sự tranh chấp này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Do chưa tổ chức phiên họp thường niên năm 2020, Eximbank hiện tại vẫn chưa thông qua kế hoạch kinh doanh năm trước dù hiện tại đã gần giữa năm 2021. Nhà băng này cũng chưa có Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2021-2025 do không thể tổ chức được hai phiên họp thường niên gần đây.
Chia sẻ với VnExpress bên lề phiên họp hôm qua, ông Đặng Anh Mai, thành viên Hội đồng quản trị Eximbank cho biết, dù đứng trên phương diện cổ đông hay thành viên Hội đồng quản trị ông đều "rất buồn và tiếc" về tình hình hiện tại của ngân hàng.
Minh Sơn