Sáng 14/5, phóng viên VnExpress đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Cảnh sát nhân dân Trương Hữu Quốc, và Cục trưởng Cục Cải tạo giam giữ (V26) Bộ Công an Đỗ Năm về sự trái ngược của việc bắt rồi lại thả sớm của Bộ Công an nêu trên.
Trả lời câu hỏi tại sao V26 lại trả tự do cho Năm Cam trước thời hạn, ông Đỗ Năm giải thích: "Văn bản của ông Phạm Sĩ Chiến, của ông Trần Mai Hạnh cùng một số bài của tờ Nhà báo & Công luận đã gây sức ép cho chúng tôi. Lãnh đạo Bộ lúc đó là anh Lê Thế Tiệm đã chỉ đạo chúng tôi hỏi ý kiến Tổng cục Cảnh sát, UBND TP HCM và Vụ Giam giữ cải tạo VKSND Tối cao, nhưng tất cả đều trả lời chung chung. Chỉ có Công an TP HCM cho ý kiến là nếu thấy Năm Cam tiến bộ thì cứ thả, họ sẽ quản lý, giáo dục tại địa phương. Cuối cùng thì chúng tôi đề nghị lãnh đạo Bộ tha trước thời hạn cho Năm Cam".
Ông Đỗ Năm cho biết thêm: "Tôi không quen Thuyết "buôn vua" nhưng tôi biết anh ta đã chạy khắp nơi và kết quả là có rất nhiều thế lực can thiệp cho "ông trùm" ra trại. Tôi còn tất cả các tài liệu chứng minh việc can thiệp này, có đầy đủ nội dung đề nghị bằng bút phê vào đơn từ của các vị chức sắc, nhưng chỉ khi nào Bộ trưởng cho phép tôi mới có thể cung cấp".
Về việc cơ quan điều tra đã làm được gì trong thời gian giam giữ Năm Cam 27 tháng, Tổng cục trưởng Trương Hữu Quốc cho biết: "Việc thả Năm Cam chúng tôi không tham gia. Từ đầu đến cuối chúng tôi đều thực hiện đúng chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Thế Tiệm là cần phải đưa Năm Cam đi tập trung cải tạo hết thời hạn ghi trong quyết định. Chúng tôi không thể khởi tố vì chưa đủ chứng cứ. Song nếu có đủ chứng cứ lúc ấy thì VKSND Tối cao cũng không phê chuẩn. Còn việc tha cho Năm Cam hoàn toàn do V26 thực hiện".
Tuy nhiên, ông Quốc không nêu ra được cơ quan điều tra của ông đã làm được gì trong thời gian Năm Cam bị giữ tại trại Thanh Hà như chỉ đạo ban đầu của lãnh đạo Bộ.
Việc xử lý Năm Cam từ năm 1995 đến 1997
- Ngày 20/5/1995, sau khi Bộ Nội vụ họp với UBND TP HCM, ông Vũ Viết Thanh, Phó chủ tịch thành phố đã ký Quyết định tập trung giáo dục cải tạo số 73 đối với Trương Văn Cam trong thời gian 36 tháng. Ông Bùi Thiện Ngộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó, đã xác định rằng, việc bắt Năm Cam đi cải tạo là để cơ quan điều tra có thêm thời gian củng cố chứng cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Ngày 22/5/1995, Năm Cam bị bắt tại TP HCM.
- Đầu năm 1996, sau hơn 6 tháng bị giam tại TP HCM để cơ quan điều tra xem xét, Năm Cam được đưa ra tập trung cải tạo tại trại Thanh Hà (Vĩnh Phúc).
- Tháng 2/1996, ông Trần Mai Hạnh, Tổng thư ký Hội Nhà báo VN có công văn gửi Bộ Nội vụ đề nghị xem xét trường hợp của Năm Cam.
- Tháng 6/1996, ông Phạm Sĩ Chiến có công văn gửi Bộ Nội vụ đề nghị huỷ bỏ biện pháp tập trung cải tạo với Trương Văn Cam.
- Tháng 12/1996, Bộ Nội vụ có công văn gửi Viện KSND Tối cao khẳng định việc bắt Năm Cam tập trung cải tạo là đúng và cho biết đang tiếp tục củng cố chứng cứ khởi tố.
- Tháng 4/1997, Cục quản lý Trại giam Bộ Nội vụ có công văn trao đổi với VKSTC về việc cho Năm Cam ra trại trước thời hạn vì lý do cải tạo tốt.
- Tháng 10 /1997, Bộ Nội vụ có lệnh tha trước thời hạn cho Năm Cam. Lúc này, cơ quan điều tra vẫn chưa bổ sung được chứng cứ nào ngoài những tiền án, tiền sự cũ.
Ngày 12/12/2001, khi bị bắt lại, Năm Cam đã trở thành "ông trùm" khét tiếng với hàng chục sòng bạc tại TP HCM. Trong thời gian từ khi được thả đến lúc bị bắt lại, Năm Cam đã chỉ đạo đàn em, gây nhiều vụ giết người, cho vay nặng lãi, bảo kê nhà hàng, vũ trường... Mỗi ngày hoạt động phạm pháp của y đã có thu nhập ít nhất là 1 tỷ đồng.
Đức Hạnh