Đầu tháng 10, Đoàn thể thao Việt Nam nhận thông báo năm VĐV điền kinh dự SEA Games 31 có kết quả xét nghiệm mẫu A dương tính với chất cấm. Các VĐV này sau đó đã làm đơn xin kiểm tra mẫu B, với hy vọng mong manh đảo ngược tình thế.
Tuy nhiên, trong kết quả được phòng xét nghiệm tại Thái Lan trả về mới đây, tất cả vẫn dương tính.
Các VĐV này chưa bị xác định là vi phạm. Họ còn một phiên điều trần trước Hội đồng Thể thao Đông Nam Á để đánh giá chính xác nguyên nhân dẫn đến việc dương tính với chất cấm. Theo một nguồn tin giấu tên chia sẻ với VnExpress, cơ hội để Việt Nam lật ngược tình thế chỉ khoảng 0,001%.
Cả năm VĐV dính doping lần này đều đoạt huy chương tại SEA Games 31, trong đó bốn nữ giành HC vàng và một nam giành HC đồng. Nếu kết luận vi phạm, họ không chỉ bị tước huy chương, mà còn đối mặt với án cấm thi đấu dài hạn.
Trong bản tường trình gửi Tổng cục TDTT trước đó, tất cả khẳng định không cố ý dùng chất cấm, mà có thể vô tình dùng thuốc hoặc đồ ăn không phù hợp.
SEA Games 31 đã diễn ra từ ngày 12/5 đến 23/5 với hơn 10.000 VĐV, cán bộ, trọng tài... đến từ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 1.341 thành viên, trong đó có 956 VĐV, giành 205 HC vàng, 125 HC bạc, 116 HC đồng và đứng nhất toàn đoàn.
Trong thời gian tranh tài, ban tổ chức đã kiểm tra doping ngẫu nhiên với gần 1.000 VĐV.
Trước sự việc này, lịch sử thể thao Việt Nam từng ghi nhận 19 trường hợp dính doping tính từ SEA Games 2003. Trong đó có một số ca điển hình như á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn hay "Công chúa" Thể dục Dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương... Đa số đều cho rằng họ thiếu kiến thức - kỹ năng phòng chống doping ở mức tối thiểu.
Theo thống kê của riêng Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) tính đến hết tháng 8/2022, có 496 VĐV điền kinh đang bị cấm thi đấu chủ yếu vì dương tính với các chất cấm. Trong đó, 299 người nhận án bốn năm, chiếm 60%. Ngoài ra, có một người bị cấm một năm, 29 người bị hai năm, 40 người bị ba năm, 54 người bị tám năm và 55 người bị cấm trọn đời.
Nghĩa Thắng