Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 23/5 cho biết Đan Mạch sẽ chuyển một hệ thống tên lửa diệt hạm Harpoon cho Ukraine. Giới chuyên gia nhận định mẫu tên lửa này có thể uy hiếp các tàu chiến Nga hoạt động ngoài khơi Ukraine và hạn chế một phần hoạt động phong tỏa đường biển đang diễn ra.
Quan chức Mỹ không cho biết phiên bản Harpoon sẽ được Đan Mạch chuyển giao cho Ukraine. Đan Mạch đang vận hành biến thể RGM-84L-4 Harpoon Block II có khả năng tấn công chiến hạm trên biển, cũng như các mục tiêu trong cảng và đất liền. Nước này từng biên chế mẫu RGM-84A Block I với tính năng kém hơn trong thập niên 1990, trước khi đưa chúng vào niêm cất năm 2003.
"Đây là bước đi quan trọng giúp tăng cường năng lực và cường độ tác chiến của lực lượng Ukraine. Tên lửa Harpoon có thể đe dọa các tàu chiến Nga trên Biển Đen", Tom Karako, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, đánh giá.
Harpoon là tên lửa hành trình diệt hạm do công ty Mỹ McDonnell Douglas, hiện nay thuộc tập đoàn Boeing, phát triển trong thập niên 1970 và đưa vào biên chế từ năm 1977.
Đây là một trong những loại tên lửa diệt hạm phổ biến nhất thế giới, có mặt trong biên chế quân đội hơn 30 nước với khoảng 7.500 quả đạn được xuất xưởng. Nó từng được sử dụng trong các cuộc chiến ở Iran và Libya hồi thập niên 1980.
Tên lửa Harpoon cơ bản dài 3,8-4,6 m, đường kính 34 cm, nặng gần 700 kg, mang đầu đạn nổ mạnh nặng 221 kg, tầm bắn 130-300 km tùy biến thể và tốc độ tối đa 865 km/h. Harpoon có thể phóng từ máy bay, bệ phóng mặt đất, tàu mặt nước và tàu ngầm.
Điểm mạnh của Harpoon là khả năng bay bám sát mặt biển, khiến tàu chiến đối phương rất khó phát hiện và đối phó. Phiên bản Harpoon nguyên gốc chỉ chuyên tấn công tàu chiến, trong khi những biến thể sau này được bổ sung tính năng công kích mục tiêu trên đất liền.
Trong nhiệm vụ chống hạm, radar từ máy bay, tàu chiến sẽ phát hiện mục tiêu và nạp tham số cho tên lửa. Hệ thống dẫn đường quán tính sẽ dẫn quả đạn tới khu vực định sẵn, sau đó đầu dò radar chủ động kích hoạt để bám bắt và điều khiển tên lửa lao đến mục tiêu.
Biến thể Block II được bổ sung hệ thống định vị vệ tinh để tấn công mục tiêu mặt đất và tàu bè tại cảng, trong khi radar chủ động có thể bám bắt vật thể nhờ độ tương phản với môi trường xung quanh.
Tên lửa chống hạm phóng từ đất liền được coi là mối đe dọa không nhỏ với tàu chiến Nga trên Biển Đen. Quân đội Ukraine tuyên bố hai tên lửa diệt hạm Neptune của nước này đã bắn trúng tàu tuần dương Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen hải quân Nga, khiến nó bị chìm ngoài khơi thành phố Odessa hồi giữa tháng 4.
Quân đội Nga không bình luận về thông tin tàu Moskva trúng tên lửa, nhưng sau sự cố, hải quân Nga đã giảm đáng kể hoạt động ngoài khơi Odessa và chiến hạm nước này cũng giữ khoảng cách xa hơn so với trước.
Lực lượng thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga thường hoạt động gần bờ biển ở bán đảo Crimea để hiệp đồng với lực lượng phòng không mặt đất, cũng như lợi dụng địa hình, địa vật để khiến đầu dò radar trên tên lửa diệt hạm đối phương khó bám bắt mục tiêu. Đây được xem là biện pháp nhằm đối phó với các loại tên lửa diệt hạm được Ukraine biên chế hay sắp tiếp nhận như Harpoon.
Giới chuyên gia cho rằng tên lửa Harpoon sẽ tăng đáng kể khả năng phòng thủ của Ukraine trên Biển Đen, trong bối cảnh nước này thiếu hụt tên lửa chống hạm nội địa sau hàng loạt đợt không kích của Nga.
"Nếu Ukraine thiết lập được khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) bằng tên lửa chống hạm phóng từ đất liền, nỗ lực phong tỏa Biển Đen của Nga có thể phải chấm dứt và hành lang vận tải từ cảng Odessa sẽ được mở", chuyên gia quân sự Tayfun Ozberk nhận định.
Duy Sơn (Theo Naval News)