Mặt Trời phát ra ánh sáng trắng (là tập hợp vô số ánh sáng đơn sắc có màu biến thiên từ đỏ -> tím), như vậy Mặt trời có màu trắng. Nhưng nếu quan sát trên Trái đất, chúng ta thường nhìn thấy Mặt trời có màu vàng vì:
Trên Trái đất, một vài bước sóng ngắn của ánh sáng Mặt trời (lam, chàm, tím) đã bị các phân tử khí tán xạ mạnh nên bị loại bỏ ra khỏi chùm ánh sáng chiếu trực tiếp từ Mặt trời tới mắt người quan sát.
Do đó, các màu còn lại: Đỏ, cam, vàng, lục cùng nhau xuất hiện. Hơn nữa, hai trong ba màu nhạy cảm đối với mắt là đỏ và lục khi trộn với nhau sẽ ra màu vàng. Giữa trưa hè, Mặt trời thường có màu vàng trắng và chuyển dần thành vàng cam khi Mặt trời xuống thấp hơn.
Khi Mặt trời bắt đầu lặn hoặc lúc mới mọc, ánh sáng cần phải đi một đoạn đường dài hơn qua không khí để đến được vị trí mà bạn nhìn thấy. Do ánh sáng có bước sóng càng ngắn thì càng bị không khí tán xạ mạnh nên lúc đó sẽ có càng nhiều ánh sáng bị tán xạ hơn, chỉ những ánh sáng có bước sóng dài nhất như đỏ, cam... mới có thể xuyên qua lớp không khí dày để tới vị trí của bạn. Lúc này, Mặt trời cũng tối hơn và màu sắc của Mặt trời cũng chuyển từ màu vàng lúc ban ngày sang màu cam và sau đó đến màu đỏ.