Trong tác phẩm của đạo diễn Lan Nguyên, chân dung "gã du ca số một Việt Nam" trải qua ba thời kỳ: thời chiến tranh, khi ông ở Hà Nội, và khi dưỡng già ở thành phố biển Vũng Tàu.
Theo êkíp, tên Màu cỏ úa gợi nhắc màu áo lính, gắn liền với thời trai trẻ của nhạc sĩ Trần Tiến. Phim dùng những tư liệu thời chiến quý hiếm cho hồi đầu tiên. Người xem thấy hình ảnh thanh xuân của Trần Tiến khi là gã trai trẻ hay cười, thân hình dong dỏng cao, không lúc nào ngơi ca hát. Những ca khúc Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp do chàng lính Trần Tiến ngân nga được khéo léo đẩy dần thành nhạc nền của phim... Trần Tiến viết, hát về con người, quê hương, về người mẹ, người chị bằng những ca từ đủ sắc thái vui buồn, sâu lắng lẫn mênh mang, hùng hồn.
Không khí của chiến trường một thời phảng phất qua lời dẫn của chính Trần Tiến: "Chỗ chú đang nhìn ngày xưa toàn bom và mìn, nay đã hóa đô thị san sát thế này". Ở thời bình, Trần Tiến ca hát say sưa cùng bè bạn nơi quán bia vỉa hè Hà Nội. Ở đây không có sân khấu, ban nhạc hoành tráng hay khán giả, chỉ có những người yêu âm nhạc hát cho nhau nghe. Họ lập một sân khấu dã chiến để cùng vui chơi, hát hò cho thỏa thích.
Đến đây, Lan Nguyên đổi phong cách kể chuyện, đan xen cảnh Trần Tiến ngao du ở các tỉnh miền Bắc cùng bạn bè và hình ảnh ông bước cô độc trên bờ biển đầy cát của thành phố Vũng Tàu. Giai điệu bài ca nổi tiếng Sắc màu: "Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng" được đạo diễn lặp lại hơn hai lần, như ngầm nhấn mạnh về cuộc đời lang bạt, thăng trầm của gã du ca Trần Tiến.
Phong cách âm nhạc thể hiện từng giai đoạn cuộc đời của Trần Tiến. Các bài hát như Chị tôi, Giấc mơ Chapi, Mặt trời bé con... được ông thể hiện tự do trên tivi, ở vỉa hè cả khi có hoặc không có ánh đèn sân khấu. Lúc này, máy quay luôn hướng trực diện vào ông, đưa nụ cười và chất giọng trầm ấm, pha chút ngông nghênh của ông thành tâm điểm khung hình.
Ở hồi cuối của phim, Lan Nguyên thường cho góc quay từ sau lưng Trần Tiến, khắc họa hình ảnh nghệ sĩ cô độc. Khi giai điệu piano không lời cất lên, âm nhạc Trần Tiến lúc này mang màu của sự tàn phai. Ông cũng không cất giọng nữa, mà thay vào đó là những người thân thương bên cạnh ông, trong đó có cháu gái - ca sĩ Trần Thu Hà và con gái - chị Trần Xuân Nhật Vy.
Trần Thu Hà nói: "Hà Nội của tôi và của chú Tiến là những ám ảnh dai dẳng. Ký ức về mẹ, về gia đình, về bạn bè cũ, về những câu chuyện ngốc nghếch của tuổi trẻ. Vì ngốc nghếch, không trọn vẹn, nên mãi còn đó". Đối với cô, việc ở bên cạnh chú Trần Tiến từ bé là động lực thúc đẩy cô theo nghiệp ca hát.
Còn chị Trần Xuân Nhật Vy thì xúc động: "Khi tôi còn du học ở châu Âu, mỗi lần ngồi tàu điện và nghe nhạc của bố, tôi lại bật khóc. Bố Trần Tiến là con người không thể hiện cảm xúc nhiều, nhưng lại gửi gắm tình yêu trong các ca khúc. Tên tôi nghĩa là Mặt trời nhỏ, và tôi cũng chính là Mặt trời bé con của bố".
Khi khắc họa câu chuyện ở hiện tại, những thước phim chỉ có tông màu đen trắng tương phản với hình ảnh tư liệu màu của thời quá khứ. Đạo diễn Lan Nguyên cho biết những cảnh quay được thực hiện bởi nhiều loại máy, có lúc là máy quay chuyên dụng mượn được, có lúc chỉ chớp khoảnh khắc bằng điện thoại di động. Nhạc sĩ là người yêu thích những giá trị cũ, hoài niệm. Do đó, chị mở đầu phim bằng một không gian hoài cổ, tông màu trắng đen với bộ cassette cũ, chiếc điện thoại bàn quay số cổ và chiếc tivi đời cũ có Trần Tiến xuất hiện trên màn hình.
Tư liệu quý về sự nghiệp, cuộc đời Trần Tiến và những tên tuổi lớn gắn với ông như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, nhóm "bộ tứ sông Hồng" (Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Trần Tiến)... được ghi lại bằng những thước phim bạc màu. Theo Lan Nguyên, đây là "màu của những giá trị tàn phai".
Nhạc Trần Tiến chiếm được trái tim nhiều thế hệ. Nhiều lứa khán giả thuộc nằm lòng ca từ của ông. Trong buổi ra mắt sớm, ngày 23/11 tại TP HCM, có nhiều khoảnh khắc khán giả trong các trích đoạn tư liệu và khán giả buổi chiếu như hòa chung không khí: Chỉ cần vài nốt nhạc cất lên, tất cả đều vỗ tay và hòa giọng.
Nhạc sĩ Trần Tiến dưỡng bệnh, tận hưởng cuộc sống ở thành phố biển Vũng Tàu. Lan Nguyên cho biết lúc đầu ông không đồng ý cho cô làm phim về mình, nhưng đổi ý khi biết cô là người hát hay bài Tạm biệt chim én mà ông thích. Tại buổi công chiếu phim, đạo diễn khóc khi nói về kỷ niệm gặp gỡ Trần Tiến.
Theo đạo diễn, Màu cỏ úa không phát hành theo hướng thương mại hóa vì thể loại phim tài liệu ca nhạc còn kén khán giả. Phim chia ra những suất chiếu nhỏ với không gian ấm cúng, dành cho những người có tinh thần du ca và yêu mến "gã du ca" đến thưởng thức.
Ngọc Yến