Những nỗ lực giải cứu của cư dân làng Menia chỉ có thể cứu sống được 10 con cá voi hoa tiêu mắc cạn tại một bãi biển hẻo lánh ở phía đông Indonesia. Hầu hết các con vật đều có vết thương hở trên cơ thể do đá cứa, 7 con trong đó đã chết do mất quá nhiều máu, người đứng đầu cơ quan bảo tồn biển địa phương Ikram Sangaji hôm thứ Bảy cho biết.
Nguyên nhân khiến cá voi mắc cạn hàng loạt hiện vẫn chưa được làm rõ. Các sĩ quan hàng hải đã có mặt tại hiện trường để khám nghiệm và lấy mẫu xác cá voi về phân tích. Xác của 6 cá thể sau đó đã được chôn cất, con còn lại bị một số dân làng xẻ thịt.
Sự kiện cá voi hoa tiêu mắc cạn hàng loạt cũng từng xảy ra tại bãi biển Kolo Udju vào năm 2012, với hơn 40 cá thể bị sóng triều đánh dạt bờ. Những dòng chảy cắt ngang ngoài khơi có thể gây nguy hiểm cho cá voi, khiến chúng dễ bị mắc kẹt giữa các rạn san hô.
Cá voi hoa tiêu (Globicephala) trên thực tế không phải cá voi như tên gọi mà là một chi cá heo lớn trong họ Cá heo đại dương, hiện chỉ còn hai loài tồn tại là cá voi hoa tiêu vây dài và cá voi hoa tiêu vây ngắn. Chúng là một trong những loài cá heo lớn nhất khi có thể phát triển tới chiều dài hơn 7 m và nặng tới 3,2 tấn.
Đoàn Dương (Theo AFP)