Màu xanh của các tia sáng mặt trời cũng thuộc về các hiện tượng tự nhiên kỳ lạ có liên quan đến thiên thể ban ngày của chúng ta.
Năm 1950, tôi nghỉ tại một trong những trại an dưỡng trên bờ biển Bantic. Người ở buồng bên hóa ra là một giáo viên vật lý, một người nói chuyện vui vẻ, thú vị, rất yêu thiên nhiên. Có lần, tôi cùng anh đứng trên bờ dốc đứng thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn. Khí trời thật mát mẻ và trong sáng. Những tia nắng mặt trời phản xạ lại trong biển thành một con đường nhỏ dát vàng dài dằng dặc. Mép dưới mặt trời đã khuất dưới mặt nước.
- Anh biết không, - bỗng nhiên nhà vật lý nói, - bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy tia sáng xanh đây. Tất cả mọi điều kiện để điều đó xảy ra đều thích hợp. Chỉ có điều là phải nhìn thật chăm chú vào! - anh ta nhắc tôi.
Một phần lớn đĩa mặt trời đã chìm xuống biển, và vì sợ bỏ qua thời điểm cần thiết, tôi nhìn không rời mắt vào mặt trời. Nó nhanh chóng khuất sau chân trời. Giờ chỉ còn lại mẩu cuối cùng của mặt trời.
- Nhìn kìa! - Cả hai chúng tôi đồng thanh kêu lên.
Cái gờ vàng của mặt trời chìm xuống biển, và trong khoảnh khắc ấy, tại chỗ trước đó là mặt trời, xuất hiện một loé sáng màu xanh rực rỡ. Nó được nhìn thấy gần hai giây đồng hồ.
Có thể quan sát được hiện tượng đẹp đẽ, lạ kỳ này của tự nhiên phần nhiều là ở trên biển. Chẳng hạn, ở vùng bờ biển Adriatic, có thể thấy được tia sáng xanh hầu như vào bất kỳ ngày đẹp trời nào - vào buổi sáng lúc mặt trời mọc và buổi chiều khi mặt trời lặn.
Các nhà khoa học và những người yêu thiên nhiên đã quan sát được hiện tượng này nhiều lần ở Mêhicô, Chilê, Địa Trung Hải, Bắc Phi, biển Đỏ...
Ở Liên Xô, người ta thường quan sát được hiện tượng thú vị này của tự nhiên tại vùng bờ biển Bantic. Cũng có thể nhìn thấy nó ở những vùng khác.
Còn bây giờ chúng ta nói về những “bí ẩn” của hiện tượng này. Để phân tích được ánh sáng trắng thành quang phổ, chỉ cần có trong tay một lăng kính thủy tinh. Nhưng các lớp không khí cũng có thể đóng vai trò của lăng kính, chỉ có điều là không phải luôn luôn có thể thấy được điều đó. Sự phân tích ánh sáng trở nên đặc biệt rõ ràng khi mặt trời hay các vì sao hạ xuống đường chân trời. Nếu nhìn qua ống nhòm vào một ngôi sao nào đó nằm ở chân trời, bạn sẽ thấy ngôi sao đó không phải là một điểm sáng rực rỡ, mà nó sẽ có hình dạng một cây cột nhỏ được trang điểm bằng các sắc cầu vồng; phần trên của nó có màu tím, còn phần dưới có màu đỏ. Hình ảnh ngôi sao dường như bị kéo căng lên trên và xuống dưới.
Đĩa mặt trời được chúng ta nhìn thấy cũng bị kéo dãn ra như vậy. Nhưng kích thước của mặt trời lớn hơn nhiều so với kích thước ngôi sao, và nó lại chiếu sáng rực rỡ, vì vậy màu sắc mặt trời không thay đổi một cách rõ rệt. Ở đây, những màu sắc khác nhau chồng lên nhau. Thực chất chúng ta nhìn thấy không chỉ một cái đĩa màu trắng của mặt trời, mà cả một cái đĩa màu chồng lên nhau. Khi chồng lên nhau như thế chúng phát ra màu trắng.
Đồng thời, các mép trên và dưới của mặt trời - ở những nơi các đĩa màu không bị hòa trộn, - vẫn có sắc màu; mép trên có màu xanh lơ và xanh lơ trộn với xanh lá cây, còn mép dưới có màu đỏ. Vậy bạn đã đoán được vết sáng xanh xuất hiện như thế nào rồi chứ?
Mặt trời đang lặn xuống đường chân trời. Giờ chỉ còn có một dải sáng nhỏ hẹp. Vài giây sau là vầng thiên thể ban ngày sẽ mất hút khỏi tầm mắt. Vào lúc ấy, trên đường chân trời chỉ còn các mép trên của hai đĩa màu - xanh lá cây và xanh lơ. Nhưng các tia xanh lơ và xanh lá cây đi qua bề dày của bầu khí quyển trái đất không phải đều như nhau: các tia xanh lá cây lọt qua đó dễ dàng, còn các tia xanh lơ bị phát tán bởi không khí và hầu như không tới được mắt ta.
Vậy là lúc đó có thể thấy được một mẩu nhỏ mầu xanh lá cây của mặt trời! Nếu khi ấy nhìn vào nó qua ống nhòm thì có thể thấy cái dải sáng hẹp được một vầng hào quang màu xanh lá cây viền quanh.
Còn khi mặt trời đang lặn biến mất dưới đường chân trời, nó hắt lên tia sáng cuối cùng màu xanh sáng mà mắt thường nhìn thấy được. Tất nhiên, cần có những điều kiện nhất định để điều đó xảy ra. Khi đó, không khí phải đủ khô, và điều căn bản là phải trong suốt. Chân trời phải rõ ràng, không có mây và sương mù che khuất.
Nếu bạn gặp may mắn thì bạn có thể nhìn thấy được cả tia sáng màu xanh lơ. Người ta đã thấy nó vài lần. Nhưng điều đó rất hiếm khi xảy ra, chỉ trong điều kiện không khí đặc biệt trong suốt mà thôi.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bạn sẽ hài lòng về việc nhìn thấy màu ngọc bích trong các tia sáng mặt trời. Vì nếu tin vào truyền thuyết cổ xưa của người Xcôtlen thì ai nhìn thấy tia sáng xanh dù chỉ một lần trong đời người đó sẽ hạnh phúc trong tình yêu...
Thiết tưởng, hiện tượng thiên nhiên đẹp đẽ này không thể nào có liên quan tới những khái niệm mê tín về thế giới xung quanh. Song, đối với những ai tin vào sức mạnh siêu nhiên thuộc thế giới bên kia thì tai họa chính là ở chỗ người đó nhìn nhận theo cách riêng của mình bất kỳ một hiện tượng lạ thường nào - nghĩa là nhìn thấy cái huyền hoặc ở trong đó. Cũng vậy đối với hiện tượng mặt trời tỏa tia sáng màu ngọc bích xuống trái đất. Hiện tượng ấy được tiếp nhận không phải như một hiện tượng hiếm hoi nhưng rất tự nhiên, mà như một “điềm báo” nào đó của thượng đế.
(Theo sách Bên cạnh điều bí ẩn)
(còn nữa)