Theo Space, nghiên cứu này được công bố trên số tháng 4 của tạp chí Thiên văn học. Đây có thể là lời giải thích tại sao chúng ta không quan sát được bất kỳ hành tinh nào tồn tại trong vùng quỹ đạo sao Thủy.
Siêu trái đất được định nghĩa là những hành tinh gần giống Trái Đất của chúng ta và có các điều kiện để có thể hình thành sự sống.
"Bằng chứng vật lý duy nhất cho thấy, siêu trái đất đã được hình thành trong hệ Mặt Trời chính là khu vực đó không có một thứ gì, thậm chí là một tảng đá", Rebecca Martin, tác giả chính của nghiên cứu, phó giáo sư đại học Nevada, Las Vegas, Mỹ, cho biết. "Hành tinh này hình thành, hút mọi vật liệu quanh nó, cuối cùng bị Mặt Trời nuốt chửng".
Quan sát những ngoại hành tinh siêu trái đất nằm ngoài hệ Mặt Trời, các nhà khoa học giả thuyết được chúng hình thành ở hai khu vực: tại chỗ (vị trí ta nhìn thấy ngày nay) và xa hơn.
Để hình thành tại chỗ, các siêu trái đất sẽ phải hút các mảnh vỡ trong "vùng chết" của một hệ hành tinh đang hình thành, được gọi là khu vực đĩa tiền hành tinh (protoplanetary disc).
Trong số các siêu trái đất được quan sát, các nhà nghiên cứu nhận thấy có hai loại, tùy thuộc vào độ đặc của chúng. Họ kết luận rằng những hành tinh hình thành xa khỏi vùng đĩa tiền hành tinh có độ đặc thấp hơn, vì nước và những chất bay hơi khác sẽ bị đóng băng ở rìa ngoài đĩa. Những hành tinh ở gần hơn có độ đặc lớn hơn.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng, siêu trái đất nằm trong hệ Mặt Trời của chúng ta thuộc loại hình thành tại chỗ, đã hút mọi vật liệu trong quỹ đạo sao Thủy. Tuy nhiên, vì nằm quá gần Mặt Trời, nên nhiệt độ ở đây sẽ rất nóng, không thể tồn tại sự sống, và cuối cùng bị lực hấp dẫn của Mặt Trời nuốt gọn.
Hồng Hạnh