Theo Fox News, giới nghiên cứu cho rằng mặt trăng Europa của sao Mộc và mặt trăng Enceladus của sao Thổ là hai ứng cử viên hàng đầu tồn tại sự sống ngoài Trái Đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học Cornell, Mỹ, lại tìm hiểu Titan, mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, để xem nơi đây có chứa các chất tiền sinh học hỗ trợ cho sự sống hay không.
Mặt trăng Titan có đường kính khoảng 5.100 km, là nơi rất lạnh do ở cách Mặt Trời 1,4 tỷ km. Bề mặt của nó chứa methane (CH4) và etan (C2H6) ở dạng lỏng. Khí quyển đậm đặc của mặt trăng này giống như một lớp sương mờ màu vàng, gồm chủ yếu là khí nitơ và methane.
Các nhà khoa học phát hiện thấy hydrogen cyanide (HCN) xuất hiện trong bầu khí quyển của Titan. Hydrogen cyanide là chất hữu cơ có khả năng phản ứng với các phân tử khác hoặc với chính nó để tạo thành chuỗi polyme dài như polyimine. Polyimine có thể hấp thụ năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời và biến thành một chất xúc tác cần thiết cho sự sống.
Martin Rahm, tác giả nghiên cứu chính, cho biết Titan rất khác so với Trái Đất. Điều đó khiến các nhà khoa học khó suy đoán về sự hiện diện của các hợp chất sinh học trên mặt trăng Titan của sao Thổ. Theo Rahm, polyimine hình thành từ hydrogen cyanide và tồn tại ở nhiều dạng cấu trúc khác nhau.
"Chúng tôi cần tiếp tục xem xét quá trình tiến hóa hóa học theo thời gian. Chúng tôi coi đây là sự chuẩn bị cho việc thám hiểm xa hơn," Rahm cho biết thêm. "Nếu những quan sát trong tương lai chỉ ra có chất tiền sinh học ở một nơi như Titan, đó sẽ là bước đột phá lớn. Nghiên cứu chỉ ra các điều kiện tiên quyết cho quá trình tạo ra một dạng sống khác tồn tại trên Titan, nhưng điều này mới chỉ là bước khởi đầu".
Xem thêm: Vệt màu đỏ máu bí ẩn trên mặt trăng sao Thổ
Lê Hùng