Trăng tròn trên thành phố San Francisco, Mỹ. Ảnh: AP. |
Mặt trăng quay quanh trái đất theo quỹ đạo dài 28 ngày có hình bầu dục nên khoảng cách giữa hai hành tinh luôn thay đổi. Vị trí gần nhau nhất giữa hai hành tinh trong một vòng quay này được gọi là cận điểm. Đêm qua mặt trăng có khoảng cách hơn 350.000 km với trái đất, gần hơn 30.000 km so với thông thường và đây là cận điểm lớn nhất kể từ năm 1993.
Điều đặc biệt là cận điểm rất hiếm khi trùng với ngày trăng tròn, nhưng đêm qua là một đêm hiếm hoi hội đủ cả hai yếu tố này nên mặt trăng quan sát từ trái đất sáng và lớn hơn bình thường. Các chuyên gia của Cơ quan không gian Mỹ NASA tính toán mặt trăng đêm qua lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với các đêm khác trong năm nay.
Giám đốc Đài quan sát Griffith ở Los Angeles là Ed Krupp nói thêm: "Chúng ta hiếm khi thấy trăng tròn đúng vào lúc cận điểm giữa hai hành tinh nên đêm qua là một sự kiện rất đặc biệt". Còn theo tiến sĩ Marek Kukula, thuộc Đài quan sát hoàng gia Anh, mặt trăng trông lớn nhất vào thời điểm trăng mọc và lặn chỉ là do ảo giác gây ra.
"Khi trăng gần đường chân trời, bộ não của chúng ta tiếp nhận và phân tích rằng trăng lớn hơn so với bình thường và hiện tượng này gọi là sự ảo giác", Kukula nói thêm. Một nhà thiên văn khác thuộc Hiệp hội thiên văn học hoàng gia Anh là Robert Massey cũng đồng ý với quan điểm này: "Kích thước mặt trăng nổi bật nhất khi nó gần đường chân trời".
Đình Chính (theo BBC, AP)