Trò chuyện về “Những bệnh liên quan đến việc sử dụng nước” tại Trung tâm Truyền thông - Gíáo dục sức khỏe TP HCM vừa qua, bác sĩ Ngô Cao Lẫm, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM giải thích nước đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể con người. Nước chiếm thành phần quan trọng trong cơ thể, trong huyết tương và các phủ tạng có tỷ lệ cao hơn. Nước tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất, đảm bảo sự cân bằng cho các chất điện giải, điều hòa thân nhiệt.
Nước sạch có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận và loại bỏ độc tố hoặc chất thải trong cơ thể con người. Uống đủ nước còn giúp tránh nhiễm virus, vi khuẩn vào cơ thể... Nước cung cấp cho cơ thể các nguyên tố cần thiết như iốt, flour, mangan, kẽm, sắt, vitamin, khoáng chất, acid amin, cần thiết cho nhu cầu vệ sinh cá nhân, vệ sinh xã hội, cứu hỏa và các yêu cầu sản xuất.
Theo bác sĩ Lẫm, trung bình một người cần 2-4 lít nước trong một ngày. Những người làm công việc nặng nhọc trong thời tiết nóng bức thì nhu cầu nhiều hơn. Số lượng nước hấp thu để bù đắp lượng nước được bài tiết qua da, phổi, thận… Khát nước là dấu hiệu đầu tiên của cơ thể bị thiếu nước.
Tiêu chuẩn về chất lượng nước ăn uống là phải đảm bảo độ trong, không màu, không mùi, vị lạ. Các chất hữu cơ, chất vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất khử trùng… phải dưới mức độ tối đa cho phép. Phải đảm bảo tiêu chuẩn vi sinh vật, tức không có những vi khuẩn thường gặp trong phân như vi khuẩn Ecoli và Cloliform.
Nước có thể gây bệnh cho người trực tiếp và gián tiếp thông qua tiếp xúc trực tiếp khi tắm rửa, thường do các hóa chất và vi sinh vật trong nước hoặc sử dụng trong ăn uống. Khi đó nước có thể nhiễm vi sinh vật, nhiễm hóa chất. Ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất qua hệ sinh thái hoặc rửa bằng nước bị nhiễm bẩn cũng có nhiều nguy cơ gây bệnh.
Sự nguy hại cho sức khỏe con người do sử dụng nước nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất có thể xảy ra ở các mức độ như mắc bệnh mãn tính, cấp tính, tử vong hoặc gây dịch bệnh, gây biến đổi gen..., ảnh hưởng đến sự phát triển của nòi giống.
Những bệnh do sử dụng nước bị nhiễm khuẩn:
Nhiễm khuẩn qua đường tiêu hóa
Viêm dạ dày ruột do virus: Thường kéo dài 24-72 giờ kèm theo buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trầm trọng nhất là ở trẻ nhỏ và người già. Khi bị bệnh thì tình trạng mất nước và rối loạn cân bằng điện giải có thể xảy ra nhanh chóng và đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Bệnh tả: Được xếp vào loại “tối nguy hiểm”. Bệnh có biểu hiện là đi tiêu phân lỏng nhiều, ói nhiều lần, nhanh chóng mất nước - điện giải, trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây thành dịch, bệnh thường xảy ra vào mùa hè, sau những đợt thiên tai lớn và ở những nơi có vệ sinh kém, không đủ nước sạch cung cấp, xử lý phân, rác chưa tốt...
Bệnh thương hàn: Là bệnh nhiễm trùng toàn thân do Salmonella Typhi hoặc Salmonella Patatyphi A, B, C gây ra. Bệnh lây qua đường tiêu hoá và có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, viêm não, nhiễm trùng huyết,... Đa số các trường hợp mắc phải là do ăn uống thực phẩm mang vi trùng, nước sinh hoạt bị nhiễm phân có vi khuẩn thương hàn không được nấu chín, hoặc do ăn phải thức ăn tươi sống được rửa bằng nguồn nước đã bị nhiễm khuẩn thương hàn.
Bệnh lỵ trực khuẩn: Là bệnh viêm đại tràng cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Shigella. Bệnh lây qua đường tiêu hóa theo cơ chế phân - miệng hoặc từ người sang người hoặc từ bàn tay bẩn nhiễm khuẩn, lây gián tiếp chủ yếu qua nước uống, thức ăn. Ở nước ta, nước uống là trung gian truyền bệnh tả, lỵ hàng đầu do không được đun sôi trước khi uống…
Bệnh kiết lỵ Amib: Gây ra do vi khuẩn Etamoeba Histolytica. Tổn thương xảy ra chủ yếu ở đại tràng (bệnh lỵ Amib) và có thể ngoài đại tràng như bệnh Amib ở gan, phổi, não, da... Kén Amib nhiễm vào người qua đường tiêu hóa, qua ăn rau sống, uống nước lã...
Bệnh tiêu chảy do E.Coli: Thường gây ra do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn hoặc có thể truyền qua nước do uống nước không được khử trùng bằng clo... ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường cộng đồng.
Ngoài ra còn có các bệnh như viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, sốt bại liệt, tiêu chảy do Rotavirus...
Bệnh giun sán
Bệnh do giun đũa, giun tóc, giun kim… lây truyền qua nước. Do phân có mang ấu trùng của giun nhiễm vào nước gặp điều kiện thuận lợi thì nhiễm qua người. Bệnh thường gặp ở trẻ em, do đi chân đất hoặc chơi đùa dưới đất... Ấu trùng của các loại giun này sẽ chui vào ruột, mật, não, mắt... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Viêm kết mạc do virus
Adenovirus, đóng vai trò trong bệnh viêm kết mạc. Các virus này được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc ở các bể bơi công cộng.
Bệnh về da
Nước ô nhiễm chứa các tác nhân truyền bệnh gây nguy hiểm cho da của con người. Nếu tắm ở nguồn nước bị ô nhiễm, da nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây ngứa. Nếu không điều trị và tiếp tục sử dụng nước không sạch, bệnh sẽ nặng lên từng ngày. Về lâu dài có thể bị ung thư hoặc có thể tử vong.
Những bệnh do sử dụng nước bị nhiễm hóa chất
Một số sông hoặc hồ chứa nước mưa acid, thuốc trừ sâu, chất thải công nghiệp và các vi sinh vật sống trong nước có thể có hại cho sức khỏe con người. Chlorine, chất khử khuẩn trong nước cũng có thể gây ra kích ứng mắt và mũi. Những chất hóa học khác nếu có trong nước sử dụng còn có thể gây ra nhiều bệnh như ngộ độc chì, thủy ngân, ung thư, thậm chí tử vong...
Phòng tránh các bệnh liên quan đến việc sử dụng nước
- Chú trọng công tác xử lý và khử trùng nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các nhà máy nước. Điều này góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa các vi sinh vật xâm nhập vào nguồn nước, hạn chế tối đa các bệnh lây truyền qua nguồn nước, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ nguồn nước.
- Bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước, các hộ dân không nên khai thác nước, khoan giếng tràn lan.
- Xây dựng và sử dụng cầu tiêu hợp vệ sinh, nhất là vùng nông thôn. Không đi tiêu bừa bãi ngoài đồng hoặc xuống sông, ao, hồ...
- Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như không vứt rác, đổ chất thải bừa bãi.
- Cần chú ý hơn việc sử dụng nguồn thực phẩm, rau tươi, hoa quả bảo đảm chất lượng, không có thuốc trừ sâu.
- Nên rửa rau quả dưới vòi nước chảy để loại trừ trứng giun sán và các chất ô nhiễm, cần thực hiện ăn chín, uống sôi...
- Rửa tay thường xuyên, đúng cách, đặc biệt trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Uống đủ nước, đặc biệt là khi thời tiết nóng bức, hoạt động gây đổ mồ hôi nhiều, bị sốt hoặc tiêu chảy, khát nước...
- Mỗi người phải tự đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và chữa bệnh kịp thời.
Lê Phương