"Chúng giống như địa ngục trần gian", Kim Hye-ran, đại diện của The Better Tomorrow Rescue (TBT Rescue), một trong những tổ chức giải cứu động vật tại Hàn Quốc, thành lập năm 2021, nói.
Ban đầu, đội cứu hộ ước tính có khoảng 40 con chó trong khu nuôi nhốt nhưng họ đã phát hiện 131 con trong đợt giải cứu hồi đầu tháng 5. Theo trưởng nhóm, đây là trường hợp kinh khủng nhất từng ghi nhận. Không ít chú chó được giải cứu sức khỏe yếu, cơ thể nhiều vết sẹo do lạm dụng hoặc phẫu thuật mà không sử dụng thuốc mê.
Theo thống kê từ Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, hiện có gần 2.200 cơ sở chăn nuôi đăng ký hoạt động, nhân giống 460.000 chó con mỗi năm.
TBT Rescue lưu ý rằng hàng loạt cơ sở chăn nuôi tồn tại và phát triển do văn hóa mua thú cưng từ các cửa hàng và mạng xã hội gia tăng. Đáng chú ý toàn bộ số vật nuôi này được cung cấp độc quyền bởi các nhà máy nhân giống.
Khảo sát năm 2022 của Cơ quan Giáo dục, Xúc tiến và Dịch vụ Thông tin về Thực phẩm, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản Hàn Quốc (EPIS) cũng cho thấy gần 22% trong số hơn 1.200 người được hỏi đều mua thú cưng từ các cửa hàng. Chỉ 5,6% cho biết nhận nuôi thú từ các đội giải cứu hoặc tổ chức từ thiện dành cho động vật. Phần lớn người mua vật nuôi sống ở các thành phố lớn. Trong đó, Ulsan và Sejong ghi nhận tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 42,1% và 40%, Seoul có tỷ lệ thấp nhất với 19,5%.
Về lý do khiến nhiều người chọn mua vật nuôi từ các cửa hàng, 27% nói muốn được kiểm tra trực tiếp, 17% có thể tin tưởng vào quá trình nhận nuôi và 14% cho rằng cách thức mua đơn giản, theo khảo sát của EPIS. Trong khi đó, quy trình nhận nuôi từ các đội cứu hộ lại tương đối lâu và phức tạp.
"Nhưng ít ai biết những chú chó lông xù dễ thương trong các cửa hàng thú cưng có thể là sản phẩm của quá khứ đau thương, tàn khốc", Kim nói.
Theo TBT Rescue, những động vật bị mắc kẹt trong trại nhân giống thường xuyên bị ngược đãi. Chúng phải sinh sản và sống cùng chất thải của chính mình. Đến khi mất khả năng sinh sản hoặc đau ốm, những con vật đáng thương có thể bị khai tử hoặc ném ra đường để tự kiếm ăn.
Trong khi đó, các cá thể sau khi nhân giống sẽ được chuyển đến cửa hàng thú cưng, nơi chúng được tắm rửa sạch sẽ và xóa mọi dấu hiệu về nguồn gốc. Nhưng nếu không ai mua, chúng sẽ bị trả lại trại nhân giống và buộc phải sinh sản. Điều này khiến chu kỳ bị lạm dụng không bao giờ kết thúc.
Trước thực trạng trên, TBT Rescue đang nỗ lực nhân cao nhận thức về lợi ích của việc nhận nuôi chó ở mọi lứa tuổi, kích cỡ và giống loài thay vì lựa chọn từ cửa hàng. Bên cạnh đó, nhóm cũng nỗ lực tìm mái ấm cho vật nuôi cả trong và ngoài nước (chủ yếu là Mỹ) sau khi được giải cứu.
Nhưng rất khó để thực hiện nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ. "Việc giải cứu tốn từ một triệu won (17 triệu đồng) đến 10 triệu won cho mỗi cá thể. Chúng tôi không đủ kinh phí hoặc tình nguyện viên nên khó có thể cứu mọi con vật trong trường hợp cần được giúp đỡ", đại diện nhóm nói.
Bên cạnh khó khăn, nhà hoạt động dần nhận thấy xu hướng nhận nuôi thú cưng ngày càng tăng bởi thế hệ trẻ dần nhận thức về thiệt hại do các cửa hàng thú cưng và trại nhân giống gây ra. Đến nay, hơn 80% số chó được TBT Rescue cứu về đều được người ở độ tuổi 20-30 đón về.
"Tôi hiểu tâm lý muốn nuôi chó từ khi còn nhỏ, nhưng ta cần hiểu rằng tuổi tác không quan trọng. Bất kỳ chó chú nào cũng có thể là một thành viên trong gia đình và nhận được sự yêu quý. Và thay vì đến các cửa hàng thú cưng, hãy nhận nuôi động vật từ các tổ chức từ thiện", Kim nói.
Minh Phương (Theo Korea Herald)