Chị Chi phàn nàn không hiểu ở lớp các cô cho bé ăn thế nào, chứ về nhà chị cảm thấy nếu không có sự hỗ trợ của chiếc roi thì không thể nào đút cho cậu con trai 4 tuổi ăn hết bát cơm. Chị mang roi ra, chủ yếu để dọa cho bé sợ mà ăn nhanh, chỉ khi nào cậu con trai hiếu động chạy ra khỏi bàn ăn mới bị mẹ vụt một phát vào “cái chân định chạy”.
Bé Tít biếng ăn ngay từ khi bắt đầu ăn dặm. Ngày đó, bà giúp việc cứ cho bé bò khắp nhà để đút cho bé ăn, đến lúc cháu biết đi thì hai bà cháu cầm bát đi khắp xóm. Khi bé đi học mầm non, bà giúp việc nghỉ, chị tiếp quản và thấy công việc cho bé ăn quá nặng nề. Chị xác định không cho con ăn rong, trông lôi thôi lếch thếch, xấu hổ với mọi người, nên đành phải dùng roi trị bé.
Ngoài việc bị mẹ đánh đòn lúc ăn uống, bé Tít cũng thường xuyên bị bố phát vào mông bởi cái tính bướng bỉnh và nghịch ngợm. Thường bố mẹ nhắc nhở một việc gì đó, bé rất ít khi làm ngay mà cố tình trì hoãn, cố chơi thêm một chút rồi mới đi ngủ, cố nghịch thêm nước sau khi rửa tay... Bố bé quan niệm, thương cho roi cho vọt và đàn ông thì không nên nói nhiều, nên mỗi hành động của bé chỉ được anh nhắc nhở đúng một lần. Cậu con làm gì không ưng ý, anh quát luôn: “Con dừng lại ngay”. Nếu bé còn chần chừ, anh sẽ lôi câu tủ của mình ra: “Con muốn ăn đòn hả”. Nếu cậu bé vẫn còn lần lữa, ngay lập tức bị bố phát vào mông. Câu cửa miệng của vợ chồng anh chị luôn là “Muốn ăn đòn hả?”, “Bố mẹ cho một trận bây giờ”... Nghe đến từ “đòn”, “roi”… cậu bé vừa vội vàng làm theo ý bố mẹ vừa tru tréo: “Đừng đánh con”.
Anh Sơn (TP HCM) cũng thường khoe với bạn bè cách dạy con bằng roi của mình, theo anh đó là "nắn cây" ngay từ khi còn nhỏ. Để ngăn cản con làm việc gì có thể gây nguy hiểm cho bé như nghịch nước, thò tay vào ổ điện, động vào những đồ nghề sửa chữa như dao kéo, kìm… anh sẽ dùng roi trước. Nhà có rất nhiều ổ điện và đa số đều được lắp rất thấp nên cậu con đang tập đi của anh hoàn toàn có thể thò tay vào bất kỳ lúc nào. Chỉ cần bé đi lại gần ổ điện, anh ngay lập tức lấy thước kẻ đánh vào chân và tay bé thật đau để bé nhớ mà tránh. Sau hai lần bị bố đánh đòn khi mon men kiểm tra mấy hộp điện, giờ cậu con 2 tuổi của anh không dám thò tay vào. Anh khoe, chỉ cần bị đánh vài lần là bé sẽ sợ và tránh xa chỗ đó, sau này mình không phải giải thích lằng nhằng.
Vợ chồng chị Trâm (quận 3, TP HCM) cũng hay tranh luận với nhau chuyện có nên đánh con hay không. Trước khi sinh con, cả hai đều thống nhất sẽ nuôi dạy con trong hòa bình. Đứa lớn rồi đứa bé ra đời, chúng càng lớn càng hiếu động, thường xuyên phá hỏng đồ đạc trong nhà, ăn chậm, mải chơi, giờ ngủ không chịu ngủ ngay, đi ra ngoài không chịu chào hỏi ai… khiến anh chị hết kiên nhẫn. Anh chị phát hiện ra rằng, dùng đòn roi nói chuyện với bé nhanh hơn và đỡ tốn công hơn là giải thích. Buổi tối mà cậu con chịu không ngủ ngay, chị Trâm lại gọi chồng vào phát vào mông con để bé sợ mà nhắm mắt lại. Chị vốn yếu, đánh không đau, nên đứa lớn rồi đến đứa bé đều không sợ đòn của mẹ. Thậm chí cậu em còn nói thẳng với chị: “Mẹ đánh con cũng chẳng sợ vì mẹ đánh không đau”. Đòn của bố rất mạnh, đánh lần nào là mông hai đứa trẻ tím bầm lần ấy, có lúc bực anh lấy cả dép và thắt lưng đánh con.
Gần đây, chị Trâm phát hiện ra rằng nếu ban ngày bị bố đánh đòn thì ban đêm cậu con 3 tuổi ngủ không yên, cứ ôm chặt lấy mẹ. Còn cô con lớn cũng thấm đòn của bố mẹ bằng cách áp dụng triệt để cho cậu em. Mùa hè năm nay, anh chị cho hai bé ở nhà tự quản nhau khi bố mẹ đi làm, và cậu em thường xuyên bị cô chị "xử". Hôm trước cậu em lấy sách của chị ra tô màu, bị chị dùng ngay giày cao gót của mẹ đập vào lưng em, vừa đánh vừa quát em “Nhớ chưa, nhớ chưa” y như giọng của anh Minh mỗi lần đánh bé. Vợ chồng anh chị bắt đầu lo lắng, xem xét lại việc dạy con bằng roi của mình.
Ngày trước, các cụ vẫn nói: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Tuy nhiên, chia sẻ trong buổi gặp gỡ với các nhân viên của một công ty phần mềm, thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng cho rằng cha mẹ ngày nay nuôi dạy con không nên hiểu máy móc roi vọt ở đây là nghĩa đen, là vật chất thực, hãy hiểu đó như yếu tố tinh thần, sự nghiêm khắc trong giáo dục con. Cha mẹ phải là chỗ yêu thương của con chứ không phải nơi mà con cần trốn tránh.
Còn giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hiệu trưởng trường trung cấp Âu Việt) từng nhận xét rằng, những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn thì ra đường dễ gây gổ, đánh nhau với người khác. Hầu hết trẻ sớm đi vào con đường phạm tội hay nghiện ngập đều do cha mẹ dạy dỗ không đến nơi đến chốn và thường xuyên bị đánh đòn. Cha mẹ dạy bằng cách đánh đến mức con lỳ đòn, hết sợ là rất nguy hiểm. Khi đã hết sợ, người ta có thể liều lĩnh làm bất kỳ điều gì. Cha mẹ dạy con cũng cần giữ lại vốn sợ cho con, bởi vì vốn sợ của trẻ em cũng có giới hạn, nó không hề vô hạn.
Tư vấn ý kiến phụ huynh trong buổi hội thảo “Có nên cho con học sớm”, thạc sĩ tâm lý mầm non Nguyễn Thị Thanh Thủy (hiệu trưởng trường mầm non Khôi Nguyên - TP HCM) cho rằng cha mẹ đánh đòn con chính là thể hiện sự bất lực của mình. Nhiều người đánh con như một cách để giải tỏa sự căng thẳng, ức chế khi con bướng bỉnh không chịu nghe lời. Sau khi ra đòn người lớn có thể cảm thấy rất thoải mái, được nhẹ lòng nhưng sau đó bắt đầu hối hận. Tốt hơn, cha mẹ hãy tự bình tĩnh trước mỗi tình huống bé nghịch ngợm, bướng bỉnh. Hãy nói nhẹ nhàng và giải thích cho bé. Theo bà Thủy, trẻ không có lỗi gì trong tất cả các thói hư tật xấu của chúng. Nếu bé có lỗi, thì chính cha mẹ phải nhìn lại bản thân mình xem mình đã có hành động gì sai.
Còn Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên có một hệ thống các bài giảng Kỷ luật không nước mắt dành cho các phụ huynh. Bà cũng chung quan điểm rằng trẻ bị cha mẹ đánh mắng thường có tâm lý chống đối, đặc biệt dễ phát triển lệch lạc và ưa bạo lực khi trưởng thành. Bị đánh không khiến trẻ biết cách cư xử đúng hơn, học làm chủ hành vi tốt hơn mà sẽ ngược lại sẽ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh hoặc tìm cách không để bị "tóm" khi mắc sai lầm. Đặc biệt, trẻ con dường như nhớ sự trừng phạt hơn là lý do bị phạt. Nó sẽ cư xử vì sợ hãi thay cho muốn hành động đúng. Người lớn nên dạy con bằng lý lẽ chứ không phải bằng bạo lực, nên nhớ áp dụng các hình thức phạt con là để nhắc nhở chứ không phải hành hạ.
Kim Kim