Hiện, Tom đã 12 tuổi, sống tại phía nam London, Anh. Ban đầu, Chrissie, mẹ của Tom, nghĩ việc con trai thích các con số là bình thường. Cô đưa con đến các buổi diễn thuyết về vật chất tối tại Đài quan sát Hoàng gia London, nhưng nhận thấy không đứa trẻ nào tham gia.
Giáo viên của Tom cũng nhận xét thay vì chơi với bạn bè vào giờ giải lao, Tom thích ngồi trong lớp làm toán. Vào dịp Giáng sinh năm 2018, em xin bố mẹ lệ phí thi môn Toán trong kỳ thi GCSE - chứng chỉ Giáo dục Trung học dành cho học sinh 14-16 tuổi.
Vợ chồng Chrissie quyết định kiểm tra trí thông minh của con trai tại tổ chức Potential Plus, trước đây là Hiệp hội Trẻ em năng khiếu Anh. Sau nửa ngày kiểm tra với hàng loạt câu đố, Chrissie nhận được kết quả, con trai nằm trong nhóm 0,1% người thông minh nhất nước Anh.
Điều này khiến gia đình Chrissie bàng hoàng. Tom là con một, lớn lên ở vùng khó khăn nằm ở phía nam London. 97% học sinh tại trường mẫu giáo của em không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ. Khi Tom nói đến những con số hoặc đam mê về tiếng Latin, Vật lý thiên văn, vợ chồng Chrissie hoàn toàn không hiểu con đang nói gì. Tố chất thiên tài của Tom không phải di truyền.
Những thần đồng nhí như Tom luôn được xã hội chú ý, coi trọng và được cho rằng sẽ rất nhanh thành công. Tuy nhiên, vẫn luôn có mặt tối trong việc sở hữu trí thông minh xuất chúng. Tuổi thơ của Tom không mấy hạnh phúc. Em thừa nhận khi 5 tuổi thường đập đầu vào tường vì muốn tự sát. Bác sĩ chẩn đoán cậu bé mắc bệnh trầm cảm nặng do tố chất thiên tài tạo nên cảm giác thất vọng, bị cô lập.
Tom khó làm quen với những đứa trẻ khác và có ít bạn bè. Ở trường, em hay trốn ra ngoài hành lang hoặc khu văn phòng vì các bạn không thích Tom ở trong lớp. Để loại bỏ cảm xúc tiêu cực, Tom thường làm câu đố, phép tính vào ban đêm, từ đó gây ra chứng mất ngủ.
"Tôi không hiểu tại sao phụ huynh tìm kiếm tố chất thần đồng ở con cái. Tôi không thể đương đầu với nó. Tôi chỉ muốn mang nó đi", Chrissie nói và cho hay sự căng thẳng của Tom ảnh hưởng đến không khí cả gia đình.
Chrissie đã tìm kiếm các lựa chọn giáo dục dành cho Tom, có hai phương án. Để Tom học tại nhà hoặc đăng ký vào trường tư thục dành cho trẻ tài năng. Cả hai ý tưởng đều "bất khả thi" với gia đình em. Chrissie không muốn con trai học tại nhà để bị cô lập và càng khó xây dựng kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, học phí tại trường tư thục vượt quá khả năng tài chính của gia đình.
Sau đó, Tom nhận được học bổng và đang theo học tại một trường chuyên năng khiếu tại London với học phí 20.000 bảng Anh một năm (khoảng 600 triệu đồng). Em đang cố gắng kết bạn với mọi người xung quanh, cho biết rất thích học tập.
Giống như Tom, Ophelia Gregory, 18 tuổi, sở hữu trí thông minh vượt trội. 6 năm trước, em đạt 162 điểm trong bài kiểm tra IQ của Mensa, số điểm cao nhất một người dưới 18 tuổi có thể đạt, ngang với IQ của nhà vật lý Stephen Hawking. Gregory cho biết tài năng mang lại cho em nhiều rắc rối hơn hạnh phúc. Em bị bắt nạt, phải chuyển trường nhiều lần.
Từ lâu, xã hội đã chú ý đến những cá nhân có trí thông minh cao hơn mức bình thường. Nhưng gần đây, các nhà tâm lý học mới bắt đầu nghiên cứu năng khiếu có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ. Những đứa trẻ có năng khiếu thường trải qua "sự phát triển không đồng bộ". Chẳng hạn, trẻ có năng khiếu có thể thông thạo toán học, nhưng khả năng thích nghi với xã hội sẽ hạn chế hơn.
Andrea Anguera, nhà nghiên cứu tại Potential Plus cho biết các bộ phận của não chi phối việc học sẽ phát triển rất nhanh chóng ở trẻ tài năng. Tuy nhiên, thùy trán, nơi kiểm soát biển hiện cảm xúc, không phát triển cùng tốc độ này.
Nhiều trẻ tài năng thường xuyên lo lắng do suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ xung quanh. Các em cũng rất khó ngủ do không thể ngừng suy nghĩ. Học cách đối phó với thất bại cũng là "bài toán khó" với trẻ tài năng.
Năng khiếu thậm chí có liên quan đến các vấn đề sinh lý như dị ứng thực phẩm, hen suyễn hoặc rối loạn xử lý cảm giác. Nhiều trẻ phản ứng thái quá với những đồ vật xung quanh như nhạc nền radio, màu sắc hoặc thức ăn.
Cuộc sống của trẻ tài năng đầy thách thức và xung đột. Một mặt, các em làm chủ kiến thức, thông tin nhanh hơn bạn bè đồng trang lứa. Mặc khác, do các kỹ năng xã hội kém phát triển, các em gặp khó khăn để hòa nhập hoặc trưởng thành.
Giáo dục trẻ tài năng không hề dễ dàng. Nếu học vượt cấp, các em có thể gặp khó khi hòa nhập với xã hội. Nhưng nếu giữ các em ở lại, tài năng có thể bị thui chột. Leonie Kronborg, nhà nghiên cứu làm việc tại Đại học Monash, Australia cho rằng trẻ tài năng cần được hỗ trợ về mặt tâm lý và xã hội. Cô lấy ví dụ về Chương trình nhập học sớm tại Đại học Washington, Mỹ. Trẻ tài năng tham gia chương trình có thể đăng ký một số lớp đại học, đồng thời vẫn theo học chương trình đúng tuổi để giao lưu với bạn đồng trang lứa.
Một số quốc gia đã xây dựng mô hình học dành cho trẻ có năng khiếu. Singapore có chương trình chọn lọc để xác định những học sinh thông minh nổi bật mỗi năm. Ở tuổi 8-9, trẻ em được kiểm tra Toán, tiếng Anh và lý luận. 1% đạt điểm số hàng đầu sẽ chuyển từ lớp bình thường sang Chương trình Giáo dục năng khiếu. Chương trình này bao gồm giảng dạy các chủ đề cụ thể ở mức sâu rộng, tự học trực tuyến, học theo trình độ riêng đến năm 12 tuổi. Sau đó, học sinh có thể chọn chương trình học trung học phù hợp. Nhưng mô hình tập trung vào trình độ học vấn như vậy gây tranh cãi vì không giúp tăng cường xã hội hóa cho trẻ.
Ngoài ra, chắc chắn không phải tất cả trẻ năng khiếu đã tỏa sáng khi trưởng thành. Nhiều em không thành công do không thể phát triển kỹ năng giao tiếp hoặc kỹ năng mềm ở nơi làm việc. Ngay cả Albert Einstein từng tâm sự vào năm 1952: "Thật kỳ lạ khi được cả thế giới biết đến nhưng vẫn rất cô đơn".
Hồng Khánh (Theo Financial Review)