Bài viết của tác giả Hyunsu Hwang trên Worlds of Education hé lộ những góc khuất đằng sau kết quả cao chót vót của học sinh Hàn Quốc trên bảng xếp hạng năng lực thế giới.
Nhận xét của Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim trong Báo cáo Phát triển Thế giới 2018 (WDR) đã gây sốc cho tôi: "Giáo dục và học tập giúp nâng cao khát vọng, thiết lập các giá trị, và cuối cùng làm phong phú thêm cuộc sống. Quốc gia nơi tôi sinh ra, Hàn Quốc, là tấm gương tốt về cách giáo dục có thể đóng vai trò quan trọng này".
Tôi đồng ý với câu đầu tiên. Nhưng tôi thực sự nghi ngờ về điều thứ hai. Tôi không chắc Jim Yong Kim rời Hàn Quốc khi nào và những trải nghiệm ông ấy có ở trường là gì, nhưng dường như có một khoảng cách lớn giữa mô tả của ông về giáo dục Hàn Quốc và của hầu hết người Hàn Quốc.
Giáo dục Hàn Quốc có phải là một mô hình tốt không? Tôi đã học 16 năm ở đây, từ tiểu học đến đại học, và tiếp tục dạy học hơn 20 năm. Trong thời gian này, tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ ai, giáo viên hay học sinh, nói rằng hệ thống giáo dục Hàn Quốc có hiệu quả và chất lượng cao.
Hầu hết bậc cha mẹ đều nói rằng họ thực sự căng thẳng khi ngày càng bỏ ra quá nhiều tiền cho việc học thêm, dạy kèm của con cái. Thành thật mà nói, người dân không thực sự hài lòng với nền giáo dục này. Đó là lý do tại sao tôi không thoải mái khi đọc lời ca ngợi của WDR về giáo dục Hàn Quốc.
Giáo dục Hàn Quốc thường được thế giới ngưỡng mộ, là mô hình để các quốc gia khác noi theo. Như Jim Yong Kim đã đề cập, một số người thậm chí còn nói rằng giáo dục là yếu tố chính thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ đọc bất kỳ bài nghiên cứu khách quan nào về mối tương quan chặt chẽ giữa giáo dục Hàn Quốc và sự phát triển kinh tế của nó. Cái gọi là phát triển kinh tế này cũng có thể là kết quả của nhiều yếu tố khác - chẳng hạn ý chí vượt qua đói nghèo và sự phát triển kinh tế theo hướng nhà nước.
Lời khen ngợi quốc tế cho giáo dục Hàn Quốc chủ yếu là do kết quả trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA). Học sinh ở Hàn Quốc được xếp hạng rất cao, tương tự bạn bè đồng trang lứa ở Phần Lan. Tuy nhiên, giáo dục Hàn Quốc hoàn toàn khác với giáo dục Phần Lan. Nếu giáo dục có mục đích cuối cùng là "làm giàu cuộc sống" thì Hàn Quốc không được coi là giáo dục. Chúng ta cần xem xét những gì ẩn sau điểm số.
Đặc điểm nổi bật nhất của giáo dục Hàn Quốc là sự cạnh tranh khốc liệt. Cuộc đua đến các trường đại học hàng đầu hiện nay bắt đầu từ mẫu giáo. Trường tiểu học và trung học giống như đấu trường để giành điểm số. Nhưng chỉ điểm cao là không đủ. Điều quan trọng là điểm "của tôi" phải tốt hơn những người khác và tôi nên đánh bại điểm số của bạn cùng lớp.
Điểm mấu chốt của nền giáo dục lấy thi cử làm trung tâm là Su-neung, kỳ thi tuyển sinh đại học. Học sinh thi 8 tiếng trong một ngày. Máy bay không thể bay qua bán đảo Triều Tiên trong thời gian diễn ra phần nghe môn tiếng Anh. Kết quả thi không chỉ xác định ngôi trường một người có thể theo học, mà còn nghề nghiệp họ sẽ theo đuổi, thậm chí cả người họ sẽ kết hôn.
Mặc dù chính phủ nỗ lực để giảm bớt sự cạnh tranh bằng cách giới thiệu một hệ thống tuyển sinh đại học đa dạng hơn, Su-neung vẫn là yếu tố sống còn cho giáo dục công lập ở Hàn Quốc. Tác giả Diane Ravitch từng đề cập trên Worlds of Education, việc nhấn mạnh quá nhiều vào điểm thi "bóp méo quá trình giáo dục theo những cách không mong muốn", "khuyến khích gian lận, dạy để thi và giảm thời gian cho các môn không thi". Đây chính xác là những gì đang xảy ra ở các trường học Hàn Quốc.
Các trung tâm dạy thêm được gọi là hagwon và rất quan trọng đối với hệ thống giáo dục Hàn Quốc. Alvin Toffler, một trong những nhà khoa học tương lai nổi tiếng nhất thế giới, đã đề cập đến chúng khi ông tới Hàn Quốc: "Điều không thể hiểu nổi nhất về Hàn Quốc là giáo dục của họ đang đi lùi. Học sinh Hàn Quốc dành 15 giờ ở trường và hagwon để tìm hiểu về kiến thức sẽ không cần thiết trong tương lai hoặc cho công việc thậm chí không tồn tại. Họ đang lãng phí thời gian quý báu".
Tôi muốn tập trung vào phần này: "Học sinh Hàn Quốc dành 15 tiếng ở trường". Điều này có đúng không? Lịch trình hàng ngày của học sinh tiểu học có thể khác với học sinh trung học, nhưng học sinh trung học trung bình dành 13 giờ đến 15 giờ ở trường, thường đến 10 giờ tối. Bữa trưa và bữa tối được phục vụ tại trường học. Giờ học có thể được chia thành ba ca: các lớp thông thường từ 8h30 sáng đến 4h chiều, các lớp học thêm sau giờ học từ 4h chiều đến 6h tối, và giờ tự học ban đêm từ 7h tối đến 10h tối. Một số học sinh trung học đến hagwon hoặc gặp gia sư riêng ở nhà để học thêm sau 10h tối, đi ngủ lúc 1-2h sáng. Ở trường, nhiều học sinh ngủ trong lớp vì thiếu ngủ ở nhà.
Hàn Quốc nổi tiếng vì có tỷ lệ tự tử cao nhất và tỷ lệ sinh thấp nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tự tử cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở học sinh. Lý do chính dẫn đến tự tử là áp lực nặng nề từ các bài kiểm tra và điểm số, lượng bài tập quá nhiều, thiếu thời gian nghỉ ngơi. Căng thẳng quá mức cũng dẫn đến nạn bắt nạt và bạo lực học đường ngày càng phổ biến. Với tất cả cảm xúc tiêu cực dồn nén, ngày thông báo kết quả thi đại học giống như thời điểm kích hoạt nút cò, khiến nhiều em nảy sinh ý nghĩ tự tử. Gần đây, một nữ sinh trung học đã tự kết liễu cuộc đời và để lại tờ giấy nhắn: "Tôi ghét trường học".
Tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc là một trong những vấn đề lớn của xã hội và ngày càng diễn biến tệ hơn. Tại sao các cặp vợ chồng Hàn Quốc không sinh con? Hầu hết người dân tin rằng nguyên nhân lớn nhất liên quan đến giáo dục. Chúng tôi biết rất rõ việc nuôi dạy trẻ em trong xã hội này rất khó khăn. Cha mẹ Hàn Quốc hy sinh bản thân cho việc giáo dục con, dành một phần lớn trong tổng thu nhập hàng tháng để trả chi phí giáo dục tư nhân. Do vậy, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ chùn bước khi nhắc đến việc sinh nở.
Đối với giáo viên, họ không hài lòng với hệ thống giáo dục vì không thể chỉ tập trung vào việc giảng dạy. Ngay sau khi đến trường, một số lượng lớn công việc hành chính đang chờ đợi họ. Việc giữ kỷ luật trong lớp, khơi dậy sự hứng thú của những học sinh đã kiệt sức vì nhồi nhét kiến thức ngày đêm không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Hơn nữa, ở cấp trung học, các "môn phụ" không xuất hiện trong kỳ thi đại học thường bị xem nhẹ.
Đây là những lý do chúng ta nên xem xét kỹ hơn về giáo dục Hàn Quốc và là thực tế đằng sau điểm kiểm tra.
Hyunsu Hwang là giáo viên tiếng Anh trung học tại Hàn Quốc và cũng là giám đốc quốc tế của Liên đoàn Nhân viên giáo dục và Giáo viên Hàn Quốc (KTU). Ông có bằng thạc sĩ nghiên cứu chuyên nghiệp (MPS) về Lao động và Quyền lợi của người lao động toàn cầu từ Đại học bang Pennsylvania (Mỹ).