"Vào một ngày mưa, số tiền tiết kiệm cả đời của tôi đã bị cuốn sạch chỉ sau một cuộc gọi", Grimes nói với CBS News. "Khi nói chuyện với cảnh sát, họ nói đó là 'spoofing'. Kẻ lừa đảo dùng một ứng dụng có thể giả mạo số điện thoại của ngân hàng, ở đây là Chase Bank, khiến tôi không nhận ra".
Theo Grimes, số liên lạc gọi đến điện thoại của cô giống với dòng được in trên mặt sau thẻ tín dụng Chase Bank khiến cô không hề nghi ngờ và làm theo các chỉ dẫn. Chỉ vài bước cung cấp thông tin, kẻ gian đã thuyết phục nạn nhân chuyển 24.000 USD tiền tiết kiệm sang một tài khoản khác "an toàn hơn". Sau khi chuyển, cô mới biết mình bị lừa.
Thông tin từ T-Mobile, nhà mạng Grimes đang sử dụng, cho thấy số điện thoại gọi cho cô thực tế không phải là dòng số in sau thẻ ngân hàng của Chase Bank. Tuy nhiên, nhà mạng không đưa ra bình luận thêm.
Theo CBS News, Grimes bị một loại ứng dụng mới cho phép giả mạo ID của một số tổ chức, ngân hàng với mục đích chơi khăm, làm trò đùa. Chúng xuất hiện khá nhiều gần đây và đang bị lợi dụng cho mục đích lừa đảo, nhưng vẫn tồn tại trên cửa hàng ứng dụng App Store. Trên Google Play, loại app này chưa ghi nhận các trường hợp lừa đảo.
Ayman Abdallah, một nhà phát triển ứng dụng loại này, cho biết phần mềm do ông tạo ra nhằm mục đích giải trí. Trong điều khoản sử dụng, người dùng không được sử dụng nếu liên quan đến ngân hàng, trường học, cơ quan quản lý...
"Chắc chắn chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm và đảm bảo chúng không được dùng cho các hành vi kể trên, cũng như cấm các số điện thoại quốc tế", Abdallah nói. "Tôi chưa ghi nhận ứng dụng của tôi bị lợi dụng cho lừa đảo, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ mạng cũng phải hành động để ngăn chặn các ứng dụng tương tự nếu chúng bị lợi dụng cho mục đích đó".
Việc bị lừa qua ứng dụng giả mạo số bắt đầu trở nên phổ biến. Theo Forbes, nó thậm chí đã xảy ra với MC truyền hình nổi tiếng Andy Cohen đầu tháng 1. Ông cho biết đã làm mất thẻ ghi nợ và những kẻ lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng đã gửi cho ông một liên kết đăng nhập tài khoản ngân hàng qua email.
Sau đó, kẻ lừa đảo tiếp tục gọi điện và nhắn tin với Cohen qua ứng dụng giả mạo ngân hàng nơi ông gửi tiền, lừa ủy quyền chuyển khoản và kích hoạt chuyển tiếp cuộc gọi. "Điện thoại đổ chuông, ID cho thấy nó từ ngân hàng tôi đang sử dụng. Sau đó, một cảnh báo lừa đảo được gửi tới tôi với yêu cầu chuyển tiền", Cohen nói.
Ban đầu, ông dự định chuyển một số tiền "khá lớn", nhưng sau đó đặt nghi vấn. Ông đã trực tiếp đến ngân hàng để xác nhận và lúc này mới biết mình bị lừa.
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, mạo danh số điện thoại là một trong những nguyên nhân lừa đảo hàng đầu ở nước này năm ngoái, cùng với các khoản đầu tư giả mạo, lừa đảo lãng mạn và thủ đoạn lừa mua sắm trực tuyến. "Với sự xuất hiện của AI, việc lừa đảo qua gọi điện hoặc giả mạo danh tính càng dễ dàng hơn", Claire Rosenzweig của Better Business Bureau - một tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp ở Mỹ và Canada, nói với CBS News.
Theo Rosenzweig, người dùng nên cúp máy khi người gọi "có chút đáng ngờ", sau đó "dành một chút thời gian, hít một hơi thật sâu, trấn tĩnh và gọi lại cho số tổng đài.
Trong khi đó, Apple khẳng định "có hệ thống nghiêm ngặt để phát hiện tận gốc ứng dụng lừa đảo hoặc gian lận". Đối với hai ứng dụng đã dùng để lừa Grimes và Cohen, công ty cho biết đã xóa khỏi App Store, nhưng không bình luận thêm.
"Tôi đã làm việc chăm chỉ để tiết kiệm nhưng mất trắng. Tôi là một bà mẹ đơn thân", Grimes nói, đồng thời cho biết đang làm việc với Chase để lấy lại tiền, nhưng khả năng không cao do kẻ gian đã chuyển tiền đi nơi khác.
Bảo Lâm