TAND tỉnh Cà Mau vừa xử phúc thẩm vụ án chị Nguyễn Bé Thi kiện chị Lâm Thị Đẹp (cùng ngụ khóm 6, phường 6, TP Cà Mau) để đòi một lời xin lỗi. Do tòa tuyên bác đơn kiện, chị Thi tiếp tục yêu cầu xét xử giám đốc thẩm để theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Theo hồ sơ, ngày 15/12/2014, chị Thi (chuyên bán thịt heo) nhờ cháu Nhạc 9 tuổi sang nhà chị Đẹp bán tạp hóa cách 50 m để mua bóng đèn tròn giá 7.000 đồng. Lúc sau, Nhạc và con trai của chị Đẹp mang đến hai cái bóng đèn tròn để chị Thi thử cái nào được (cắm điện sáng) thì lấy.
Theo trình bày của chị Thi, sau khi thử xong thấy không có cái nào sáng, chị kêu mấy đứa nhỏ đem trả lại. Chị Đẹp sau đó cầm hai cái bóng đèn đến nhà chị Thi và cự cãi xảy ra. Chị Đẹp cho rằng chị Thi đã “đổi cũ lấy mới” để “ăn quỵt” cái bóng đèn. Chị Thi cho rằng chị Đẹp vu oan còn chửi bới, làm mất uy tín, danh dự. Sau đó, chị Thi điện thoại báo công an khu vực. công an phường đến và mời cả hai lên phường giải quyết.
Nhiều lần giải quyết không thành, chị Thi kiện ra TAND TP Cà Mau với yêu cầu bồi thường danh dự 10 triệu đồng và phải công khai xin lỗi.
Tháng 7, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm đã bác yêu cầu của nguyên đơn. Chị Thi kháng cáo và đến khi TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, chị rút lại yêu cầu đòi bồi thường danh dự bằng tiền, chỉ yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai. Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn bị tòa tuyên bác và y án sơ thẩm.
Từ hòa giải ở địa phương đến hai cấp tòa, chị Thi và chị Đẹp cùng cho rằng mình không sai. Chị Thi khẳng định không tham lam “thay cũ đổi mới” để chiếm đoạt cái bóng đèn của chị Đẹp và không hề chửi bới, nhục mạ chị Đẹp.
Ngược lại, chị Thi cho rằng có lẽ chị Đẹp cạnh tranh trong mua bán với mình (cả hai cùng bán tạp hóa gần nhau) nên mới kiếm chuyện vu oan, chửi mắng, nhục mạ. “Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bản thân tôi với lối xóm nên tôi quyết tâm buộc chị Đẹp xin lỗi công khai mình”, chị Thi nói.
Ngược lại, chị Đẹp bảo phát hiện cái bóng đèn chị Thi trả lại là bóng đèn cũ nên mới sang nhà nói chuyện phải quấy. “Khi vừa nói vài tiếng thì tôi bị chị Thi đòi đập vô mặt, tôi tức giận nên có chửi. Nhưng chị Thi cũng đã chửi lại tôi rất nặng nề, vì vậy coi như… huề”, chị Đẹp nói.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: “Mâu thuẫn giữa hai bên không lớn, đó là chuyện thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Các bên cự cãi qua lại với nhau, không bên nào nhường nhịn bên nào. Xét thấy mỗi bên có một phần lỗi, do đó không bên nào phải bồi thường cho bên nào”.
Ở cấp phúc thẩm, tòa bổ sung nhận định rằng hai bên chỉ cự cãi nhau bằng lời nói chứ không có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác như làm nhục hoặc có hành vi nghiêm trọng khác. Do vậy, tòa phúc thẩm bác yêu cầu của chị Thi.
Chị Thi cho biết đang nhờ luật sư viết đơn giám đốc thẩm vụ án. “Cô Đẹp nói tôi đổi bóng đèn tức là bảo tôi gian trá. Cô ấy không chứng minh được tôi đã đổi bóng đèn nghĩa là vu oan. Tôi cũng không đồng tình với tòa án khi nói chung chung rằng làm mất danh dự người khác phải là “làm nhục hoặc có hành vi nghiêm trọng khác”. Tôi sẽ theo đến cùng, buộc cô Đẹp phải xin lỗi”.
Trái lại, chị Đẹp khẳng định: “Bà ấy khởi kiện đến đâu tôi theo hầu đến đó, quyết không xin lỗi. Chửi qua chửi lại là bình thường. Nếu xin lỗi công khai thì bà ấy cũng phải xin lỗi tôi vì bà có chửi tôi”.
Tại hai bản án, tòa không đề cập đến các nhân chứng và tình tiết cụ thể của vụ việc. Chị Thi cho rằng mình có nhân chứng là ông Lê Thanh An, hàng xóm, người trực tiếp giúp chị thử hai bóng đèn đều không sáng. Còn chị Đẹp thì cho rằng mình có nhiều nhân chứng chứng kiến chị Thi chửi lại rất nặng nề.
Ông Trần Trọng Hữu, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, giải thích: “Dù không thể hiện trên bản án nhưng tại hồ sơ vụ án có đầy đủ tường thuật của nhân chứng hai bên và HĐXX đã cân nhắc tất cả chứng cứ”.
Theo Pháp luật TP HCM