Chị Minh, 38 tuổi, ở Hà Đông, thường xuyên than phiền vì chồng nghiện rượu bia, thích tụ tập ăn uống ở ngoài. Thỉnh thoảng, anh hay đau bụng dưới, đi ngoài nhiều lần trong ngày, chán ăn, mệt mỏi. Thấy biểu hiện giống bệnh ung thư tiêu hóa, chị động viên chồng đi khám nhưng người đàn ông sợ bị chẩn đoán bệnh nan y nên chần chừ.
Lướt mạng, người vợ tìm thấy phương pháp test "tìm máu trong phân" chỉ với một tờ giấy, chi phí gần 100.000 nghìn đồng. Người bán cho biết sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, 5 tờ một gói, giúp chẩn đoán ung thư đại tràng sau hai phút. Tờ đầu tiên để thử nước, "nếu nước đổi màu thì cần xả bồn cầu nhiều lần rồi mới test để có kết quả chuẩn nhất". Tờ thứ hai để xét nghiệm máu trong phân, bằng cách để vào trong nước tiểu, nếu chuyển sang màu vàng hoặc xanh lam thì chứng tỏ bị bệnh, cần đi nội soi. Ba tờ còn lại để thử lại vào những ngày kế tiếp, giúp khách hàng yên tâm hơn.
Một người khác tư vấn đây như bước sàng lọc, bởi khối u trong đại trực tràng cản trở việc hình thành và bài xuất phân, "khi phân đi qua khối u, khiến khối u loét, chảy máu và cần đi khám".
"Khi nghe tư vấn, tôi bị thuyết phục hoàn toàn", chị Minh kể, thêm rằng đã mua 5 hộp với giá 2,5 triệu đồng để gia đình cùng kiểm tra. Xét nghiệm của chồng chị cho kết quả âm tính nhưng các dấu hiệu bệnh ngày càng trầm trọng, đặc biệt tình trạng chán ăn, mệt mỏi kèm tâm lý lo lắng. Cuối cùng, anh đến Bệnh viện Đại học Y nội soi, bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày, đại tràng, có nhiều polyp tăng sinh phải cắt bỏ.
"Nếu để lâu, các polyp có thể tiến triển thành ung thư hoặc gây chảy máu trực tràng, biến chứng nguy hiểm sức khỏe", bác sĩ tư vấn.
Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết không thể khẳng định mắc ung thư chỉ với giấy test, chưa kể nguồn gốc xuất xứ sản phẩm không rõ ràng, sai số lớn. Việc nhiều người truyền tai nhau thổi phồng công dụng sản phẩm dẫn đến hoang mang quá mức hoặc yên tâm giả tạo.
"Trường hợp kết quả dương tính cũng chưa thể khẳng định mắc bệnh, còn âm tính cũng không thể loại trừ nguy cơ", bác sĩ nói.
Theo ông Tỵ, giấy test này thực chất tìm máu ẩn trong phân, rất nhiều sai số vì nhiều bệnh lý gây chảy máu. Chẳng hạn viêm loét đại tràng, trĩ, vết trầy da hậu môn, viêm đại tràng, táo bón lâu ngày, polyp, u đại tràng, nứt kẽ hậu môn...
Các sản phẩm trên cũng chưa được bất cứ cơ quan quản lý y tế nào công nhận, "nhiều khi chỉ là giấy quỳ tím", dẫn đến lãng phí tiền của.
Nguyên nhân "chiêu trò" này vẫn thu hút được nhiều người là xuất phát từ vấn đề tâm lý. Hầu hết mọi người muốn các phương pháp đơn giản, rẻ tiền vẫn chẩn đoán được bệnh. Trong khi đại tiện ra máu là một trong những dấu hiệu nghi ngờ của ung thư đường tiêu hóa. Như bệnh nhân nam, 17 tuổi, đi ngoài ra máu, đi khám phát hiện ung thư trực tràng di căn gan. Khối u của bệnh nhân khá lớn, nguy cơ tắc ruột. Bố bệnh nhân cũng mất sớm do ung thư trực tràng, còn người anh trai mắc căn bệnh này năm 28 tuổi.
Song, để kết luận bệnh nhân mắc ung thư, bác sĩ dựa vào nhiều xét nghiệm chuyên sâu chứ không chỉ thông qua một vài sàng lọc đơn giản. Bác sĩ Phạm Văn Thái, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, nói mỗi loại ung thư có phương pháp và thời gian tầm soát khác nhau. Chưa kể, một số loại bệnh ung thư không có biểu hiện bất thường trên các phương tiện chẩn đoán khi ở giai đoạn sớm.
Để khám sàng lọc, tùy theo triệu chứng lâm sàng, tiền sử gia đình của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phù hợp và cần thiết như xét nghiệm máu, nội soi, siêu âm... Khi có dấu hiệu nghi ngờ sẽ tiến hành chụp CT, chụp MRI, chụp PET/CT và nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác. Bác sĩ dựa vào những kết quả này đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
"Đưa ra kết luận bệnh nhân mắc bệnh là công việc mà bác sĩ chuyên khoa ung thư phải học cả đời, vừa là uy tín công việc vừa giảm nhẹ nỗi đau cho người bệnh", bác sĩ cho hay.
Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa hay gặp trên thế giới và Việt Nam, tăng nhanh qua từng năm. Ghi nhận từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), hàng năm Việt Nam phát hiện hơn 14.000 ca mắc mới và hơn 7.500 ca tử vong do ung thư đại trực tràng, đứng thứ 5 trong các ung thư phổ biến, sau gan, phổi, dạ dày và vú. Dự báo đến năm 2025, ung thư đại trực tràng thường gặp thứ hai ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới.
Triệu chứng cảnh báo ung thư đại trực tràng như đi ngoài ra máu, rối loạn thói quen đại tiện, viêm kích thích trực tràng, tắc ruột,... Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện giai đoạn sớm có thể cắt qua nội soi hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm lên tới 85-90%.
Ung thư đại trực tràng thường xuất hiện ở người tuổi trên 50. Tuy nhiên, vài năm gần đây, bệnh nhân ngày càng trẻ, có người tuổi 20-30. Bệnh liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt.
Bác sĩ khuyến cáo đối với người bình thường, thời điểm nội soi tầm soát ung thư đại tràng bắt đầu từ 45-50 tuổi. Người có tiền sử gia đình bị đa polyp có yếu tố di truyền cần nội soi sàng lọc sớm từ 12-20 tuổi. Trường hợp không phát hiện polyp đại tràng có thể nội soi định kỳ 3-5 năm. Bệnh nhân phát hiện polyp cần nội soi cắt và kiểm tra định kỳ từ 6 đến 12 tháng.
Những người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), hoặc có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiểu và đại tiện ra máu, ói ra máu... nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Thùy An