Anh gọi thợ đến kiểm tra. Sau khi "khám bệnh", thợ nói cần bơm thêm gas vì sau vài năm sử dụng đã hao hụt, không đủ khả năng làm lạnh. Nghe báo giá hai triệu đồng cho hai chiếc điều hòa, gia chủ gật đầu ra phòng ngoài uống nước, trở vào đã thấy thợ làm xong.
"Chưa tới một phút, sao nạp gas mà lại nhanh như vậy?", anh thắc mắc. Nhóm thợ tiếp tục nạp gas cho chiếc điều hòa thứ hai. Lần này, anh đứng quan sát thấy việc bơm gas cũng chỉ vài phút.
Sửa được mấy hôm, chiếc điều hòa vẫn kém lạnh như trước. Anh Tiến đành gọi tới một trung tâm điện lạnh chuyên nghiệp. Khi kiểm tra, áp suất khí gas của chiếc điều hòa này thấp hơn cả chiếc điều hòa thứ hai khi chưa nạp gas. "Như vậy, gas ở cả hai chiếc điều hòa đều bị ăn bớt", người đàn ông kết luận.
Nhiều gia đình bảo dưỡng điều hòa mùa nóng cũng gặp trình trạng tương tự anh Tiến. Trong một khảo sát của VnExpress với câu hỏi "Bạn có từng gặp trường hợp thợ nói cần bơm gas để khắc phục điều hòa không mát?", 89% trong tổng số 4.500 độc giả trả lời "Có".
Theo kỹ sư cơ điện lạnh Trần Văn Nam, người có 13 năm kinh nghiệm trong ngành, tình trạng các gia chủ bị thợ bảo dưỡng điều hòa lừa "cần nạp thêm gas" diễn ra khá phổ biến nhiều năm nay. Hầu hết gặp trong đợt nắng nóng bởi nhu cầu của người dùng cao, các cơ sở uy tín quá đông khách, người dân phải tìm đến những nhóm thợ trôi nổi "không có tâm".
Ông Nam khẳng định điều hòa nhiệt độ hiếm khi xảy ra tình trạng thiếu hay hết gas bởi hoạt động trong hệ tuần hoàn, khép kín. Nếu có hao hụt là do bị rò rỉ đâu đó hoặc lắp đặt chưa chuẩn. Lúc này, nếu không sửa chữa triệt để, việc bơm thêm gas vô tác dụng. "Giống như săm xe máy bị thủng, phải vá lại cho kín rồi mới bơm hơi vào", kỹ sư nói. Theo ông, chiêu thức của một số thợ sửa là khi điều hòa kém lạnh sẽ báo thêm mất gas, yêu cầu nạp bổ sung nhưng thực tế họ không nạp chút gas nào.
Ông Nam tư vấn khi điều hòa không mát, người dùng trước hết cần tự vệ sinh máy ở cả dàn nóng lẫn dàn lạnh, đặc biệt là tấm lọc bụi. Nếu máy không cải thiện mới nghĩ tới nguyên nhân khác. Trong trường hợp điều hòa thực sự thiếu gas, cần phải giám sát chặt chẽ quá trình nạp, yêu cầu dùng cân để kiểm tra bình gas trước và sau khi nạp, xem thực sự có nạp gas vào điều hòa hay không.
Ngoài chiêu thức trên, ông Nam còn nhắc tới mánh báo "cháy tụ quạt" của một số thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa. Gia đình chị Kim Dung, ở Đồng Văn, Hà Nam từng gặp tình cảnh tương tự.
Đợt nắng nóng đầu tháng 5, điều hòa nhà chị bỗng nhiên ngừng hoạt động phải gọi thợ đến sửa. Người thợ kêu bị cháy tụ, cần thay thế. Chị Dung đồng ý nhưng không hỏi giá trước.
Thợ thay xong, chị được thông báo hết 700.000 đồng. Người thợ còn tỏ rõ thái độ khó chịu, nói rằng nếu không muốn sẽ tháo tụ ra khi bị hỏi lại sao đắt như vậy. "Lúc đó trời nóng, bận con nhỏ nên tôi không muốn tranh cãi", chị nói.
Dù vậy, người phụ nữ này vẫn hoài nghi về giá cái tụ nên sau đó đã kiểm tra và biết tụ điều hòa có giá vài chục nghìn đồng. Quá giận, chị Dung gọi điện chất vấn nhưng người thợ đáp "Tôi làm phải có lãi".
Ông Nam chia sẻ, vào mùa hè, điều hòa thường gặp một số vấn đề như không chạy, chạy nhưng lạnh kém, bị chảy nước hay kêu to.
Với điều hòa không chạy
Do đứt dây điện cấp nguồn, giải pháp là kiểm tra bằng đồng hồ điện, bút thử điện;
Do mối nối điện bị lỏng, tiếp xúc không chặt, giải pháp là kiểm tra bằng mắt, đồng hồ điện, xiết lại các vị trí tiếp xúc kém;
Do chết mạch điện điều khiển (kèm theo nháy đèn trên dàn lạnh) hay cháy máy nén hoặc tụ quạt, giải pháp là báo thợ có chuyên môn để xác định lỗi, mang đi sửa hoặc thay thế;
Điện áp quá kém (đặc biệt ở nông thôn), giải pháp là dùng đồng hồ đo điện áp có đủ 220V chưa.
Với điều hòa chạy nhưng lạnh kém
Do quạt gió dàn lạnh hỏng yếu, giải pháp là thay thế motor quạt gió dàn lạnh;
Ống đồng bị móp méo dẫn tới lưu lượng gas trao đổi bị giảm, giải pháp là tháo bỏ lớp bảo ôn tại các vị trí uốn kiểm tra bằng mắt thường, cắt bỏ đoạn ống đó và hàn lại;
Dàn nóng bị chiếu nắng trực tiếp dẫn tới hiệu quả giải nhiệt thấp, giải pháp là di chuyển dàn nóng ra vị trí khác nếu được hoặc tìm cách che từ xa để hạn chế ánh nắng chiếu vào;
Dàn nóng bị các đồ vật khác cản khi thổi gió nóng ra;
Ống đồng tại vị trí dàn nóng bị đóng tuyết (do thiếu gas), giải pháp là nạp gas bổ sung;
Do đặt sai chế độ trên điều khiển.
Khi điều hòa chảy nước
Dàn lạnh bị chảy nước do ống dẫn nước ngưng bị tuột hoặc bị tắc dẫn tới nước ngưng trong máng nước bị trào ra ngoài, giải pháp là nối lại ống nước ngưng, vệ sinh thông tắc bằng máy xịt nước áp lực cao;
Ống thoát nước, ống đồng bị ngưng tụ nước ra mặt ngoài do bảo ôn ống nước bị hở rách, quá mỏng hoặc lão hoá vì dùng quá lâu, giải pháp là thay bảo ôn mới.
Với điều hòa kêu to
Dàn nóng phát tiếng kêu bất thường do bu lông xiết chân đế bị lỏng hoặc rơi tại vị trí quạt hoặc nắp bảo vệ khác;
Dàn nóng sau khi bảo dưỡng kêu to hơn có thể do thợ bơm gas quá nhiều, giải pháp là xả bớt gas;
Dàn lạnh bị kêu do cánh vẫy bị hỏng, motor cánh vẫy bị cháy, kẹt. Giải pháp là kiểm tra vệ sinh, thay thế motor quạt, cánh vẫy.
Vị kỹ sư nhận định, có một số nguyên nhân gia chủ có thể tự khắc phục. Trong trường hợp không thể tự làm, cần gọi dịch vụ chính hãng hoặc cửa hàng uy tín để hạn chế tình trạng lừa đảo. Đặc biệt, khi cần sửa chữa hoặc thay thế linh kiện, cần tìm hiểu thông tin trước, tránh trường hợp bị đội giá lên cao.
Hải Hiền