Chuyền về ngôi nhà 3 tầng mới xây được 6 tháng, anh Nguyễn Minh (TP HCM) phát hiện sau mỗi lần mưa to, nước từ sân thượng đi theo khe đèn LED ngấm xuống lầu 2. Ban đầu là cạnh bàn thờ, sau lan dần ra giữa nhà, trong phòng ngủ và cả các ổ điện. Tình trạng ngấm nghiêm trọng cũng xảy ra ở 3 mặt tường ngoài trời, chân tường phòng ngủ giáp khu vệ sinh tầng 2. Đi kèm với đó là nhiều vết nứt từ lớn đến nhỏ dần xuất hiện.
Trước đó, anh Minh đã tìm đến một công ty xây dựng để ký hợp đồng thiết kế và thi công ngôi nhà đang ở. Do quen biết nên dù hợp đồng có điều khoản chủ nhà chỉ được giữ lại 2% tổng chi phí để bảo hành thay vì 5% như thông thường, anh vẫn đồng ý. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, anh bắt đầu thấy lo ngại. Những lần ghé công trường đột xuất mà không thấy nhân viên giám sát, chỉ có thợ tự làm, tự quản. Hay khi đổ bê tông sân thượng, anh có nêu vấn đề lát gạch chống thấm bề mặt, nhưng phía đơn vị thi công khẳng định rằng chỉ cần dùng sơn như cách họ áp dụng cho tất cả các công trình từng làm, đảm bảo không thấm. Không chỉ sân thượng, 3 mặt tường ở tầng 3 cũng thực hiện theo cách tương tự.
Sau khi dọn về ở và thấy xuất hiện ngấm dột, anh Minh liên hệ ngay với đại diện của đơn vị thi công để phản ánh. Sau đó, công ty này có mua một thùng sơn chống thấm và quét lại những vị trí bị ngấm nước trong nhà. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, tình trạng tương tự vẫn xảy ra. Phía đơn vị thi công hứa hẹn sẽ cử thợ qua bảo hành, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục.
Gần đây, anh Minh đành mất thêm 20 triệu đồng thuê một nhà thầu khác đến nhà xử lý chống thấm.
Tình trạng nứt tường, ngấm dột tại nhà anh Minh:
Chị Lê Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự khi cải tạo lại căn hộ mới mua. Chủ nhà tìm đến công ty thiết kế chia sẻ mong muốn sửa nhà theo phong cách hiện đại. Sau khi được tư vấn, chị ký hợp đồng và đặt cọc một nửa chi phí thiết kế là 35 triệu đồng. Tuy nhiên, chị nhận về một bản vẽ không đúng mong muốn. Đơn vị thiết kế cũng không đưa ra giải pháp phù hợp để khắc phục chiếc cột kỹ thuật nằm ngay phòng khách. Sau nhiều lần điều chỉnh và tranh cãi nhưng không đi đến thống nhất, chị Hằng thanh lý hợp đồng, mất 35 triệu đồng đặt cọc và phải tìm đến một đơn vị thiết kế khác.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Thành - Công ty tư vấn Kiến trúc và Nội thất NTTart, khi xét các yếu tố quyết định thành công của một công trình xây dựng, đơn vị thi thiết kế đóng vai trò như điều kiện cần, còn đơn vị thi công tốt là điều kiện đủ. Tuy nhiên, với một thị trường nội thất mới phát triển như Việt Nam, liên tục có nhà thầu mới gia nhập thị trường nên chủ nhà có thể vấp phải những đơn vị, nhóm thiết kế chưa có năng lực.
Ông Thành cho biết, hiện nhiều gia đình thường thuê các nhà thầu từ thiết kế đến thi công thông qua giới thiệu của người quen từng có kinh nghiệm xây nhà, hoặc lựa chọn đơn vị có mức giá rẻ. Tuy nhiên, theo ông Thành phương án này cũng chưa hẳn an toàn do mỗi người có gu thẩm mỹ và kỳ vọng khác nhau. Kể cả khi chủ nhà thuê đơn vị độc lập giám sát, kiểm soát chéo đội ngũ thi công thì vẫn có rủi ro nếu gặp những người không thành thật.
Vì vậy, theo ông, bước đầu tiên, gia chủ nên kiểm tra kỹ năng lực đơn vị thi công thông qua các sản phẩm mà họ đã làm thực tế, cần thiết có thể đến tận nơi gặp chủ công trình và xem chất lượng xây dựng.
"Muốn biết một đơn vị có làm tốt và trách nhiệm hay không, nên đánh giá qua công trình thực tế đã triển khai và cách mà chủ nhà cũ nhắc đến họ", kiến trúc sư này gợi ý.
Đồng thời, theo ông, để quá trình hợp tác hiệu quả, tránh xung đột, hai bên cần có sự thống nhất về cách làm việc và hợp đồng gồm: thỏa thuận rõ ràng giá cả, tiến độ hoàn thành, giai đoạn thanh toán, tạm ứng, hạn mức về vật tư - thiết bị, nghiệm thu... Ngoài ra, chủ nhà nên bổ sung thêm điều khoản đền bù trong trường hợp công trình không đạt chất lượng đúng như cam kết.
Thu Hương